"Bão lửa" Katyusha - "Dàn đồng ca đỏ Stalin" vẫn sẵn sàng

ANTD.VN - BM-13 Katyusha luôn được ví như cơn ác mộng đáng sợ trong thế chiến thứ 2. Loại vũ khí này được quân Đức gọi là "Dàn đồng ca đỏ của Stalin" bởi tiếng rít ghê rợn khi chúng phóng đi.
BM-13 Katyusha được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam trong thời chiến tranh. Loại vũ khí uy lực này đã giáng những đòn đánh khiếp sợ cho quân đội Mỹ. Trải qua thời gian, loại vũ khí này dần được thay thế bằng những loại mới hơn như BM-21 Grand.
Tưởng chừng như loại vũ khí này đã bị rút hoàn toàn khỏi biên chế, tuy nhiên mới đây nhất, trong phóng sự của kênh truyền hình QPVN về công tác xây dựng dựng kho bảo quản và niêm cất vũ khí cấp chiến dịch của các đơn vị kỹ thuật thuộc Quân đoàn 2, BM-13 Katyusha bất ngờ xuất hiện.
Sự xuất hiện của loại vũ khí này gây khá nhiều bất ngờ, bởi đây là loại vũ khí ra đời từ rất lâu, lại trải qua quá trình dài phục vụ chiến đấu, nhưng bằng tay nghề khéo léo của những người lính thợ Việt Nam, loại vũ khí này vẫn được bảo quản rất tốt.
Đại tá Lê Ngọc Tân – Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 đang cùng đoàn kiểm tra xem xét các phương tiện chiến đấu lưu cất.
Đại tá đánh giá khá tốt công tác xây dựng kho chính quy, an toàn của những người lính thợ nơi đây. Đằng sau ông là các tổ hợp pháo phản lực BM-13 Katyusha.
Pháo phản lực Katyusha (tiếng Nga: Катюша), hay được gọi là tên lửa Katyusha hoặc ngắn gọn là Katyusah, là một dạng bệ phóng đạn phản lực được chế tạo bởi Liên Xô trong Thế chiến thứ 2.
So sánh với các loại pháo khác, Katyusha có khả năng oanh tạc một địa điểm trong thời gian rất ngắn với sức công phá cao.
Tuy có độ chính xác thấp và thời gian nạp đạn lâu, nhưng dòng pháo này lại có ưu điểm là rẻ tiền và dễ làm.
Nhờ được lắp trên xe tải nên cơ động đã tạo cho Katyusha một lợi thế đặc biệt mà ít loại pháo này trong Thế chiến thứ II có được, đó chính là khả năng đánh phá nhanh và rút lẹ, tránh việc bị phản pháo.
Dàn phóng có thiết kế khá đơn giản, bao gồm một giá có gắn những thanh phóng bằng thép dùng để đặt đạn phản lực; với bộ khung gấp để nâng thanh phóng lên vị trí thuận lợi để tiện khai hỏa.
Mỗi xe tải có 8 thanh ray lắp được đạn cả mặt trên và mặt dưới.Đạn phản lực M-13 đường kính 132mm, dài 180cm và nặng 42 kg.
Đạn được phóng đi bằng hỗn hợp nitrat xenlulô đặc phụt ra từ trong lòng ống. Hỗn hợp này được đặt trong vỏ thép của quả đạn với 1 ống dẫn đơn giản ở cuối.
Cự ly phóng của đạn đạt 5,4km, đạn sử dụng đầu nổ nặng 22kg cho sức công phá mạnh mẽ.
Hiện nay gần như toàn bộ loại pháo BM-13 này đã bị rút khỏi biên chế từ lâu. Riêng Việt Nam đang lưu cất số BM-13 trong trạng thái bảo quản tích cực, sẵn sàng cho chiến đấu ngay khi cần thiết.