Bạo hành cả trẻ tàn tật

ANTĐ - Bạo hành trẻ em đang tiếp tục là một vấn nạn trên thế giới, chưa có các liệu pháp cần thiết để ngăn chặn, đặc biệt là ở các nước nghèo và đang phát triển. Bi thương hơn, ngay cả những đứa trẻ bị tàn tật cũng trở thành đối tượng của nạn bạo hành với nguy cơ cao hơn gấp nhiều lần so với những đứa trẻ bình thường. 

Một hình ảnh bạo lực kinh hoàng đối với trẻ em ở Ấn Độ

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố  trên tạp chí khoa học y tế danh tiếng Lancet kết quả một cuộc nghiên cứu về tình trạng trẻ em tàn tật bị bạo hành trên thế giới. Theo đó, những trẻ em bị tàn tật có nguy cơ bị tấn công bạo lực cao gấp gần 4 lần so với trẻ em bình thường. Đó là những trẻ em bị thiệt thòi do dị tật bẩm sinh, kể cả bị hội chứng tự kỷ, bị tai nạn hoặc trở nên tàn tật do chiến tranh, xung đột và thậm chí bị tàn tật do chính các hành vi bạo lực của người lớn…

Chúng phải hứng chịu rất nhiều các hình thức bạo lực khác nhau. Những trẻ em kém may mắn này cũng có nguy cơ bị bạo lực về thân thể cao gấp 3,6 lần và bạo lực tình dục cao gấp 2,9 lần so với những trẻ bình thường. Những trẻ em tàn tật bị bệnh tâm thần hoặc thiểu năng trí tuệ nằm trong số những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.

Nhiều khi những đứa trẻ này phải hứng chịu những con thịnh nộ của người lớn, thậm chí ngay từ người thân, do không hiểu người lớn nói gì, yêu cầu gì. Khi ra ngoài xã hội, chúng hay bị những đứa trẻ khác và cả người lớn trêu trọc, đánh đập. Điều đặc biệt hơn nữa là chúng có nguy cơ bị xâm hại tình dục cao gấp 4,6 lần so với trẻ em mắc cùng loại bệnh này nhưng không bị tàn tật.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ em tàn tật có nguy cơ bị bạo lực cao hơn những đứa trẻ bình thường khác, như sự phân biệt đối xử, sự thiếu hiểu biết của xã hội về tàn tật, thiếu sự hỗ trợ xã hội cho người chăm sóc, thiếu khả năng kinh tế và các chính sách chăm sóc trẻ em tàn tật, nhiều đứa trẻ tàn tật bị lạm dụng để đi ăn xin ở khắp các hang cùng ngõ hẻm… Điều phi lý là, theo WHO, việc đưa trẻ em khuyết tật vào các viện chăm sóc cũng làm tăng nguy cơ trẻ dễ bị tổn thương trước tình trạng bạo lực. 

Từ thực trạng trên, nghiên cứu của WHO đã đưa ra khuyến cáo rằng, thế giới cần chung tay có những hành động cụ thể để thực hiện hiệu quả các chính sách ngăn chặn bạo lực và hạn chế hậu quả của tình trạng này, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

WHO cũng kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới hãy ưu tiên thực hiện nghiêm túc các văn bản quy chế của WHO về ngăn chặn ngược đãi trẻ em nói chung, với trẻ em tàn tật nói riêng. Hãy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về các quyền của người tàn tật nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ quyền của trẻ em tàn tật và đảm bảo sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của các em trong xã hội. Bên cạnh đó, các chính phủ cũng như các tổ chức xã hội khác có trách nhiệm và nghĩa vụ ngăn chặn mọi hình thức bạo lực đối với trẻ em tàn tật và nâng cao chất lượng cuộc sống cho những trẻ em thiếu may mắn này.