Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đang có kế hoạch thành lập và triển khai thêm tới 49 lữ đoàn chiến đấu để "ngăn chặn nguy cơ từ Nga" đối với các quốc gia thành viên thuộc châu Âu.
Thông tin trên được tờ báo Đức Welt am Sonntag đăng tải sau khi tham khảo nguồn tin giấu tên. Theo tiết lộ, NATO có kế hoạch tăng lực lượng tác chiến của mình thêm tới 250 nghìn binh sĩ.
Bộ Quốc phòng Đức cho biết, vào mùa xuân năm 2024, các nước NATO đã đạt được thỏa thuận về "tiềm năng tối thiểu" để bảo vệ biên giới Liên minh trước kịch bản xảy ra một cuộc tấn công từ phía Nga.
Những yêu cầu mới đối với việc thành lập lực lượng tác chiến được xác định bởi người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ - Đại tướng Christopher Cavoli và Đô đốc người Pháp Pierre Vandieu.
Trước đây quy mô 82 lữ đoàn chiến đấu được NATO coi là đủ, nhưng hiện tại Liên minh có kế hoạch tăng số lượng lên 131 đơn vị, trong đó mỗi lữ đoàn sẽ bao gồm khoảng 5.000 binh sĩ.
Các chỉ huy quân sự của NATO cũng đã lên kế hoạch tăng số lượng quân đoàn chiến đấu từ 6 hiện nay lên tới 15, và sở chỉ huy sư đoàn từ 24 lên 38 nhằm sẵn sàng phản ứng trước các mối đe dọa.
Bên cạnh việc nâng cao quân số, dĩ nhiên NATO còn phải lên kế hoạch tăng cường dự trữ vũ khí, bao gồm hệ thống phòng không, đạn dược, thiết giáp và phương tiện vận tải.
Đáng chú ý nhất là số lượng hệ thống phòng không sẽ tăng từ 293 lên 1.467, danh sách bao gồm những loại tiên tiến nhất như Patriot, IRIS-T SLM, NASAMS, SAMP/T hay Skyranger.
Những yêu cầu liên quan đến xây dựng lực lượng tác chiến áp dụng cho tất cả 32 quốc gia thành viên NATO, trong đó nghĩa vụ đóng góp của mỗi nước sẽ phụ thuộc vào khả năng kinh tế và dân số của họ.
Trong diễn biến khác, mới đây một nhóm tác chiến lớn của NATO bao gồm tàu hải quân, máy bay và các đơn vị mặt đất, đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở vùng nước lạnh Bắc Đại Tây Dương, phát triển kỹ năng cho hoạt động chiến đấu có thể xảy ra trên biển.
Chủ trì là Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ, cuộc diễn tập quân sự tập trung vào các tuyến đường thủy chiến lược quanh Iceland - nơi lực lượng NATO thực hành phát hiện tàu ngầm và ứng phó khủng hoảng.
Giới quan sát đặc biệt chú ý đến việc thực hành tấn công tàu mặt nước khi các đơn vị Hải quân Ba Lan được trang bị tên lửa NSM do Na Uy chế tạo đã tiến hành cuộc tấn công mô phỏng vào mục tiêu.
Máy bay của Hải quân Mỹ cũng tham gia diễn tập, khi cung cấp thông tin tình báo để tấn công chính xác hơn. Đại diện Quân đội Ba Lan nhấn mạnh độ chính xác và hiệu quả cao của tên lửa NSM giúp bắn trúng mọi mục tiêu được chỉ định với xác suất gần như 100%.
Cần phải nhấn mạnh một yếu tố đó là địa điểm chính để Ba Lan thử nghiệm tên lửa vẫn là Biển Baltic, nơi họ và các thành viên NATO khác đang thực hiện những cuộc diễn tập tấn công tương tự.
Chuyên gia Sidharth Kaushal từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng Thống nhất Hoàng gia Anh cho rằng biển Baltic, trong tình cảnh bị các nước NATO bao quanh, đã trở thành một loại "hồ nội địa", và việc đưa Phần Lan và Thụy Điển vào liên minh đã thay đổi đáng kể cán cân quyền lực.