Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý rõ ràng về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 vừa diễn ra tại Hà Nội không những cung cấp diễn biến tình hình mới nhất ở Biển Đông mà còn một lần nữa làm rõ thêm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Quang cảnh Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 tại đầu cầu Hà Nội

Quang cảnh Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 tại đầu cầu Hà Nội

Không có cơ sở cho “quyền lịch sử” và “bằng chứng lịch sử” của Trung Quốc

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương vạch ra “đường chín đoạn” - một yêu sách chủ quyền phi lý chiếm tới 80% diện tích Biển Đông dựa trên lập luận “vùng nước lịch sử”. Đường chủ quyền này được in trong hộ chiếu mới và bản đồ chính thức của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng thường xuyên nhấn mạnh rằng, các đảo, bãi đá và các rạn san hô ở Biển Đông là “lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại”.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13, cũng có nhà nghiên cứu đưa ra “bằng chứng lịch sử” cho rằng, Trung Quốc đã hiện diện và tuyên bố chủ quyền với các đảo ở Biển Đông từ nhiều thế kỷ trước. Theo ý kiến này, các đảo ở Biển Đông từng được ghi trong tài liệu của nhà Tống vào thế kỷ XIII, hay xuất hiện trong ghi chép về các chuyến đi của nhà thám hiểm Trịnh Hòa người Trung Quốc, cũng như được đánh dấu trong bản đồ của nhà Thanh năm 1810.

Tuy nhiên, những “bằng chứng lịch sử” này nhanh chóng bị các diễn giả tại hội thảo bác bỏ. Tiến sĩ Bill Hayton, chuyên gia cấp cao tại Chương trình châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Chatham ở Anh, khẳng định: “Trước đầu thế kỷ XX, không một quan chức nào của Trung Quốc nghĩ đến việc sở hữu hoặc quản lý các bãi đá ngầm hoặc rạn san hô ở Hoàng Sa”. Theo Tiến sĩ Bill Hayton, Trung Quốc thậm chí từng từ chối bồi thường trong một sự cố tàu ở Hoàng Sa vào cuối những năm 1890 theo yêu cầu của công ty Anh, khi nói rằng quần đảo không phải là một phần lãnh thổ của nước này.

Cái gọi là “quyền lịch sử” ở Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra cũng đã bị Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra phán quyết bác bỏ từ tháng 6-2016. Theo Tòa trọng tài, dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây.

Vì vậy, Tòa kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách “quyền lịch sử” đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “Đường chín đoạn”. Một yêu sách nữa của Trung Quốc cũng bị Tòa trọng tài bác bỏ là khái niệm vùng biển phụ cận của “quần đảo Nam Sa”, tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo phán quyết của Tòa trọng tài, tất cả các cấu trúc nổi tại Trường Sa đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và vì thế, không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Như vậy, có thể khẳng định không có cơ sở pháp lý cho “đường chín đoạn” như yêu sách của Trung Quốc.

Là thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 nhưng Trung Quốc lại tự cho mình có “quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong yêu sách “đường chín đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ ra ở Biển Đông. Đây là yêu sách mơ hồ, không có bất kỳ bằng chứng pháp lý nào hỗ trợ, không dựa trên UNCLOS. Theo ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao tại Tập đoàn RAND của Mỹ “Trung Quốc tuyên bố ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ nhưng không tuân thủ phán quyết Biển Đông của tòa trọng tài” đã làm giảm uy tín cũng như hình ảnh của Bắc Kinh tại khu vực và trên thế giới.

Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý rõ ràng của Việt Nam

Trong khi đó, Việt Nam lại là nước thật sự chiếm đóng, thật sự giữ và thực hiện quyền làm chủ của mình với Hoàng Sa và Trường Sa, hai thành tố mà theo luật pháp quốc tế quyết định việc một quốc gia có chủ quyền chính thức hay không. Đề cập đến vấn đề này, tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13, Tiến sĩ Vũ Hải Đăng, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Luật quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore khẳng định: “Việt Nam là nước đầu tiên tuyên bố chủ quyền và là nước duy nhất liên tục quản lý Hoàng Sa, Trường Sa theo luật pháp quốc tế”. Ông dẫn chứng ngay từ thế kỷ XV, triều Nguyễn đã cử quan lại tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thu thuế tàu thuyền qua hai quần đảo.

Cũng tại hội thảo, Giáo sư Minique Chemillier-Gendreau của Đại học Diderot Paris, Pháp cho biết Hiệp ước San Francisco năm 1951 hay Hòa ước Trung - Nhật năm 1952 đều không đề cập tới việc công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, tại Hội nghị San Francisco vào tháng 9-1951 để bàn về việc ký hòa ước với Nhật Bản với sự tham dự của đại diện 51 nước, với tư cách là thành viên của khối Liên hiệp Pháp, phái đoàn đại diện cho Nhà nước Việt Nam do Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Hữu thuộc Chính phủ Bảo Đại làm trưởng đoàn đã long trọng tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tuyên bố nhấn mạnh: “Để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam”. Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco ghi vào biên bản và không gặp phải sự bảo lưu hay phản đối nào của đại diện các nước tham dự Hội nghị.

Trong khi Trung Quốc chưa hề thực hiện chủ quyền gì ở Hoàng Sa và Trường Sa, thì suốt từ các đời chúa Nguyễn về sau, Việt Nam liên tục quản lý các quần đảo này. Những tư liệu quý giá về việc Triều đình Nguyễn đã mở mang bờ cõi, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như thế nào được lưu giữ trong hai khối tài liệu đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu cấp quốc tế, đó là Mộc bản và Châu bản. Đặc biệt, sự tồn tại của đội Hoàng Sa được thành lập dưới thời các chúa Nguyễn để hàng năm vào tháng 8 đi thuyền ra Vạn lý Hoàng Sa khai thác hóa vật và sản vật, hải vật quý có thể coi là sự sáng tạo độc đáo của phương thức xác lập và thực thi chủ quyền của nước nhà đối với quần đảo Hoàng Sa.

Trong thời kỳ Pháp thuộc (từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX), Chính phủ Pháp nhân danh Việt Nam tiếp quản hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối yêu sách của các nước khác đối với các quần đảo này. Từ những năm 30 của thế kỷ XX, Pháp đã quy thuộc hai quần đảo vào các tỉnh đất liền, cho quân đồn trú, đặt cột mốc, xây hải đăng, trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện trên hai quần đảo. Sau khi ký Hiệp định Geneva năm 1954, Pháp đã chuyển giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn đã chiếm hữu trên thực tế và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Sau năm 1975, nước Việt Nam thống nhất, Nhà nước CHXHCN Việt Nam quản lý các đảo ở Trường Sa và luôn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Vào các năm 1956 và 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1988, một số bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng bị Trung Quốc đánh chiếm bằng vũ lực. Các hành động chiếm đóng bằng vũ lực này đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các chuẩn mực của pháp luật quốc tế.

Để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, các học giả Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 đều nhấn mạnh, bên cạnh nỗ lực duy trì hòa bình, hợp tác vì sự thịnh vượng của khu vực, cần phải giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, cũng như bằng các cơ chế được quốc tế xây dựng.