Bác kháng cáo của đại gia lừa đảo hàng trăm tỷ đồng

ANTD.VN - Làm chủ nhiều công ty, song Hiệp luôn ở tình trạng nợ nần. Do đó, đại gia này đã lôi kéo người vợ trẻ tạo dựng hồ sơ khống chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Theo đơn kháng cáo của các bị cáo, từ ngày 10 đến 13-3, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành phiên xử phúc thẩm đối với Hoàng Minh Hiệp (SN 1974, trú ở phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo khoản 4, Điều 139-BLHS.

Liên quan, Trương Ánh Điệp (SN 1980, vợ Hiệp) cùng 4 người nữa cũng được xem xét lại tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo trình tự phúc thẩm. Nguyên đơn dân sự trong vụ án là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam - Phòng giao dịch Trung tâm Ngô Quyền (PVCombank Ngô Quyền).

Hoàng Minh Hiệp (trang phục xanh) cùng các bị cáo liên quan 

Bản án sơ thẩm cùng lời khai của các bị cáo cho thấy, Hoàng Minh Hiệp vốn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh tế Hoàng Gia (gọi tắt là Công ty Hoàng Gia) và từng được biết đến là một đại gia khi sở hữu nhiều xe ô tô đắt tiền. Thành lập doanh nghiệp này không lâu, Hiệp tiếp tục cho ra đời 3 công ty khác, đồng thời thuê nhiều người làm giám đốc, trong đó có Trương Ánh Điệp.

Sau một thời gian kinh doanh, cả 2 công ty do vợ chồng Hiệp trực tiếp nắm giữ đều lâm vào tình trạng nợ nần trầm trọng. Và để có tiền đắp điếm vào nhiều khoản nợ khác nhau, ngày 1-4-2011, Hiệp lấy tư cách đại diện Công ty Hoàng Gia ký hợp đồng tín dụng có hạn mức 100 tỷ đồng với PVCombank Ngô Quyền.

Và rồi PVCombank Ngô Quyền đã nhanh chóng giải ngân cho Công ty Hoàng Gia 87,6 tỷ đồng. Trước đó, ngày 21-12-2010, Hiệp cũng chỉ đạo Giám đốc Công ty Kim Loại Hoàng Gia ký hợp đồng vay của PVCombank 100 tỷ đồng và cũng được giải ngân hơn 96 tỷ đồng.

Thế nhưng điều đáng nói là quá trình vay mượn các khoản tiền  lớn nêu trên, Hiệp đã trực tiếp, đồng thời chỉ đạo nhân viên lập khống hàng loạt hợp đồng kinh tế mua bán phôi thép, sắt thép thành phẩm và xuất hóa đơn GTGT “ma” tương ứng.

Ngoài ra, do yêu cầu phải có tài sản bảo đảm cho từng khoản vay vốn cụ thể nên Hiệp còn lập khống nhiều hợp đồng, biên bản thuê mướn kho bãi, gửi giữ tài sản là sắt thép tại 2 doanh nghiệp ở Thái Bình và Hải Phòng. Tuy nhiên, thực tế các công ty do vợ chồng Hiệp nắm giữ đều không hề có hoạt động như hồ sơ vay vốn.

Đối với một số khế ước vay tiền của PVCombank Ngô Quyền, tuy tài sản bảo đảm là có thật nhưng trước khi dùng làm tài sản bảo đảm ở tổ chức tín dụng này, Hiệp cùng các bị cáo liên quan đã thế chấp cho một tổ chức tín dụng khác.

Bằng thủ đoạn lập khống hồ sơ vay vốn nêu trên, các công ty “ma” do Hiệp lập ra đã được PVCombank Ngô Quyền giải ngân gần 184 tỷ đồng. Kế đến, toàn bộ số tiền vay mượn này nhanh chóng được đẩy lại tài khoản của Công ty Hoàng Gia để Hiệp chiếm hưởng. Quá trình giải quyết vụ án, Hiệp vẫn còn chiếm đoạt hơn 152 tỷ đồng.

Với hành vi gây ra, tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 1-2016, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Hoàng Minh Hiệp tù chung thân và Trương Ánh Điệp 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đối với 4 bị cáo liên quan (những người được Hiệp thuê làm giám đốc, kế toán, nhân viên) cũng lần lượt bị tuyên phạt từ 12 năm tù đến 17 năm tù cùng tội danh.

Tại phiên tòa phúc thẩm, xét đơn kháng cáo kêu oan của hầu hết các bị cáo là không có căn cứ nên HĐXX phúc thẩm đã đi đến quyết định giữ nguyên hình phạt của Hoàng Minh Hiệp cùng 3/6 bị cáo. Riêng với vợ Hiệp, cấp phúc thẩm nhận thấy cần phải điều tra và xét xử lại nên quyết định hủy bản án sơ thẩm đối với Trương Ánh Điệp.