Bà đỡ của những thiên thần

ANTD.VN - Chứng kiến những đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời khỏe mạnh cùng những giọt nước mắt hạnh phúc của các bà mẹ sau sinh, bác sĩ nội trú Dương Thị Trà Giang - Khoa đẻ thường A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và các đồng nghiệp luôn cảm thấy vui lây. Những nỗ lực của họ là đem lại niềm vui cho nhiều gia đình...

Những nỗi ám ảnh thường trực

Một ca đỡ đẻ thành công là khi cả mẹ và bé đều được an toàn, khỏe mạnh không có biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Bất cứ bác sĩ sản khoa nào cũng mong muốn ca đỡ đẻ của mình được “thuận buồm xuôi gió”, không có tình huống bất trắc xảy ra. Tuy nhiên, không phải ca đỡ đẻ nào cũng thành công mỹ mãn, có một số bệnh lý cực kỳ nguy hiểm khiến họ bị ám ảnh khi gặp phải.

Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Dương Thị Trà Giang - Khoa đẻ thường A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Đầu tiên phải kể đến là hiện tượng sản phụ bị tắc mạch ối. Đây là bệnh lý gây nguy hiểm hàng đầu đến tính mạng cả mẹ và con chỉ trong tích tắc. “Tắc mạch ối tức là nước ối đi vào phổi bệnh nhân, chỉ trong vài giây là người tím đen, mất ý thức… có những trường hợp tim ngừng đập nhiều lần trên bàn mổ. Tình huống diễn ra rất nhanh và nặng, bệnh nhân có thể đang cười nói với bác sĩ, nhưng có thể tử vong ngay mà bác sĩ không kịp trở tay” - bác sĩ Dương Thị Trà Giang chia sẻ.

Bác sĩ Giang kể, cách đây 1 tháng, một sản phụ 35 tuổi quê ở Hưng Yên đến bệnh viện đẻ thường lần thứ tư. Khi chuẩn bị cho ca sinh nở, đang cười nói vui vẻ thì tự nhiên sản phụ lịm đi và mất ý thức. “Với kinh nghiệm trong nghề, tôi nhận định khả năng cao bệnh nhân bị tắc mạch ối. Tôi lập tức gọi đội ngũ y tá xung quanh đẩy sản phụ sang Phòng Hồi sức cấp cứu. Rất may, sau những nỗ lực của các bác sĩ hồi sức, bệnh nhân vượt qua cửa ải nguy hiểm. Tuy nhiên, sản phụ sau đó phải chuyển sang mổ đẻ chứ không đẻ thường được như dự định ban đầu” - bác sĩ Giang nhớ lại.

Bệnh lý nguy hiểm thứ hai khiến cho bất cứ bác sĩ sản khoa nào cũng “khiếp sợ” khi gặp phải, đó là bệnh lý rau cài răng lược. Sản phụ bị bệnh lý này sẽ bị chảy máu trầm trọng khi mổ do bánh rau bám vào cơ tử cung không ra được, khi lấy ra sẽ bị chảy máu ồ ạt, rất khó cầm máu, càng lấy rau càng chảy máu nhiều, do đó tỷ lệ tử vong rất cao. Các phương pháp xử trí trước đây là lấy thai, sau đó cắt tử cung mới có thể cứu được sản phụ. Chỉ những bác sĩ dày dạn kinh nghiệm mới có thể xử lý được ca khó như vậy. Tuy nhiên, bác sĩ Giang cho biết, phụ nữ khi đã bị cắt bỏ tử cung sẽ để lại nỗi đau tinh thần rất lớn, nhất là người đang trong độ tuổi sinh đẻ. Đặc biệt, có một số trường hợp bệnh nhân bị rơi vào trầm cảm do mặc cảm, tự ti khi bị cắt tử cung, cảm thấy mình không còn là phụ nữ nữa.

Sáng tạo phương pháp phẫu thuật mới

Trong những năm công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bác sĩ Dương Thị Trà Giang và các đồng nghiệp đã chứng kiến những nỗi đau tinh thần và thể xác của bệnh nhân. Chị và các đồng nghiệp luôn đau đáu, trăn trở, muốn cải thiện các phương pháp điều trị tốt hơn và đã dày công nghiên cứu, cho ra đời một phương pháp phẫu thuật đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao. Đó chính là “Phương pháp phẫu thuật mới bảo tồn tử cung trong bệnh lý rau cài răng lược không có dấu hiệu nghi ngờ đâm xuyên (SCAPAS)”. Với phương pháp mới này, bệnh nhân được khám sàng lọc trước sinh, nếu phát hiện bệnh lý rau cài răng lược, các bác sĩ sẽ tư vấn cho sản phụ mổ lấy thai nhi sớm, cắt bỏ phần cơ bị dính rau để giữ lại tử cung cho người mẹ và cũng đảm bảo an toàn tính mạng cho thai phụ. “Để cho ra đời phương pháp này là một quá trình dài. Bình thường, người ta sẽ đi từ lý thuyết đến thực tiễn. Nhưng ở đây, chúng tôi đi từ thực tiễn đến lý thuyết nên khó hơn rất nhiều. Thực tiễn lâm sàng muôn màu và để chuẩn hóa được cho mọi người hiểu, làm theo được thì là cả vấn đề. Ngoài việc tham gia phụ mổ, nhiệm vụ của tôi là chuyển từ thực tế lâm sàng thành lý thuyết để giới thiệu cho người khác đọc, hiểu, áp dụng trong quá trình khám sàng lọc và xử lý bệnh lý này cho bệnh nhân” - bác sĩ Dương Thị Trà Giang cho biết.

Kể từ khi phương pháp này nghiên cứu thành công, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã áp dụng tốt cho hơn 80% bệnh nhân mắc phải bệnh lý rau cài răng lược, giữ lại được tử cung cho sản phụ. Dưới sự ủng hộ của ban lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ Dương Thị Trà Giang và đồng nghiệp đã đem phương pháp mới này giới thiệu tại rất nhiều hội nghị lớn, đầu ngành về sản khoa tại Việt Nam, được rất nhiều bác sĩ quan tâm, đón nhận để áp dụng thực tiễn.

Hạnh phúc khi chọn đúng nghề

Sự thành công của đề tài khoa học “Phương pháp phẫu thuật mới bảo tồn tử cung trong bệnh lý rau cài răng lược không có dấu hiệu nghi ngờ đâm xuyên (SCAPAS)” đã giúp Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Dương Thị Trà Giang vinh dự góp tên trong danh sách 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2023. Ngoài là thành viên tham gia đề tài này, bác sĩ Dương Thị Trà Giang còn đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Y - Dược tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố Hà Nội lần thứ nhất; Giải Nhất trong Hội thi Sáng tạo toàn quốc lần thứ 17; Giải nhất với sáng kiến “Xe đẩy cấp cứu chảy máu sau đẻ” tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tuổi trẻ ngành Y thành phố Hà Nội lần thứ 30 năm 2023...

Bác sĩ nội trú Lương Hoàng Thành - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Là một bác sỹ trẻ, nhưng bác sĩ Dương Thị Trà Giang rất vững vàng về chuyên môn, quyết đoán trong điều trị bệnh. Chị luôn nhẹ nhàng, tận tình, kiên nhẫn, tạo điều kiện để bệnh nhân và gia đình có thể hiểu rõ nhất tình trạng và phương hướng xử trí. Bên cạnh công việc chuyên môn, bác sĩ Giang còn đam mê trong nghiên cứu khoa học, tìm ra những phương hướng điều trị tốt nhất. Đây chính là tấm gương cho tôi và nhiều bác sĩ trẻ học hỏi và cố gắng”.

Quả đúng như nhận xét của các đồng nghiệp dành cho bác sĩ Dương Thị Trà Giang, nghiên cứu khoa học là niềm đam mê khó từ bỏ đối với chị. Chị coi mỗi sản phẩm nghiên cứu như những “đứa con tinh thần” đầy tâm huyết. Thạc sĩ, bác sĩ Dương Thị Trà Giang tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội. Sau 3 năm học nội trú chuyên khoa sản, chị về công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội từ đó đến nay đã ngót nghét 7 năm. “Tôi vẫn thường nói với bạn bè, người thân của mình rằng, trở thành bác sĩ sản khoa là quyết định vô cùng đúng đắn của bản thân. Bởi nỗ lực của bác sĩ sản khoa chính là đem lại niềm vui, tiếng cười cho các gia đình khi chào đón thành viên mới” - bác sĩ Dương Thị Trà Giang chia sẻ.