"Army Games-2015": 12 môn thi, Trung Quốc không nhất nổi môn nào

ANTĐ - Thế vận hội quân sự quốc tế “Army Games-2015” tổ chức ở Nga đã kết thúc. Tổng kết thành tích sau giải đấu này, đoàn Trung Quốc tham dự đủ 12 môn thi nhưng không đứng đầu nổi 1 môn nào.

Thế vận hội quân sự quốc tế “Army Games-2015” tổ chức ở Nga đã kết thúc sau khi trận chung kết “Tank Biathlon-2015” được tổ chức vào lúc 17h chiều ngày 15-8 (tức 19h00 giờ Việt Nam), tại trường bắn của Trung tâm huấn luyện Alabino, ngoại ô Moscow.

Tường thuật sau giải đấu, trang mạng Chinanews của Trung Quốc cho biết, 4 đội lọt vào trận chung kết là Trung Quốc, Nga, Kazakhstan và Serbia - mỗi đội bao gồm 3 kíp lái, mỗi kíp lái 3 người - bắt đầu bước vào cuộc thi đấu việt dã tiếp sức-xạ kích xe tăng, tương tự như chạy tiếp sức của môn điền kinh.

Mỗi đội cử ra 3 kíp lái, thay nhau điều khiển một chiếc xe tăng chạy 3 vòng (mỗi vòng thay một kíp lái), trên quãng đường 4km, vượt qua khoảng 10 loại chướng ngại vật như gờ bánh xe, dốc cao, đầm nước, bãi lầy, đường núi gập gềnh, bãi mìn, hào chống tăng…

Trong đó, gờ bánh xe là đoạn gờ cao đắp nổi, độ rộng chỉ bằng độ rộng xích xe tăng, bãi mìn là một bãi rộng, có những cọc tiêu cắm zích-zắc, lái xe chạm cọc bị tính là va vào mìn.

Ngoài ra, trên đường hành tiến, xe tăng vừa phải vượt qua chướng ngại vật, vừa phải bắn pháo và súng máy vào những mục tiêu cố định và di động. Bắn không trúng hoặc vượt chướng ngại vật phạm quy thì bị phạt giờ, phạt chạy thêm vòng, dùng thời gian dài-ngắn để xếp hạng.

Xe tăng Type 96A Trung Quốc vượt chướng ngại vật với tốc độ cao

Đội thi đấu Trung Quốc sử dụng xe tăng số 608 của lữ đoàn xe tăng thuộc Tập đoàn quân 1. Rút kinh nghiệm với lần hỏng động cơ của tăng Type 96A hồi năm ngoái, năm nay xe tăng Trung Quốc vượt chướng ngại vật khá tốt, 3 kíp lái của nước này cũng thay người rất nhanh.

Tuy nhiên, các xạ thủ Trung Quốc lại bắn rất kém, bắn 4 phát thì trượt 3, chỉ trúng 1 phát đầu tiên của tổ lái thứ nhất, gồm Hầu Bằng (trưởng xe), pháo trưởng Trần Tiểu Long và lái xe Đại Điền Tài, nên chỉ đứng hạng 2. Xếp hạng chung cuộc, Nga xếp thứ nhất, thứ 3 là Serbia và đứng cuối cùng là Kazakhstan.

Phát biểu tại lễ trao giải nhì cho đội Trung Quốc, Thiếu tướng Khristenko - Cục trưởng Cục huấn luyện chiến đấu Nga đã khen ngợi các tuyển thủ Trung Quốc có tố chất mạnh mẽ, tác phong mẫu mực; kỹ thuật lái xe, trình độ xạ kích; tính năng xe tăng cũng đã có nhiều tiến bộ so với giải đấu năm ngoái, thể hiện trình độ huấn luyện chiến đấu rất cao.

Thế vận hội quân sự quốc tế Army Games-2015 năm nay quy tụ các đội tuyển của 17 nước tham gia, bao gồm 12 môn thi khác nhau, được tổ chức rất quy mô, ví dụ như môn việt dã-chiến đấu xe tăng “Tank Biathlon”, môn thi đấu không quân “Aviadart 2015”, môn thi tác chiến hải quân “Caspian Cup-2015” và “Caspian Derby-2015”, môn thi xe chiến đấu bộ binh mang tên “đột kích Suvorov”…

Đội tuyển Trung Quốc tham dự thi đấu đủ 12 môn thi nhưng không đạt được giải nhất nào. Trong đó, 10 môn xếp thứ nhì, 1 môn xếp thứ 3 và 1 môn xếp thứ 5.

Đội tuyển tăng Trung Quốc nhận giải nhì

Từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 8, Nga đang tiến hành tổ chức Thế vận hội quân sự 2015 (Army International Games 2015), với sự tham gia của hơn 2.000 quân nhân từ 17 quốc gia, đọ sức về kỹ năng chuyên nghiệp trong 12 môn thi đấu, trên rất nhiều lĩnh vực quân sự.

Các giai đoạn cuộc thi có thể được coi là một cuộc tập trận quốc tế này sẽ được tổ chức tại 11 thao trường (trong đó có sân bay, bãi bắn và bãi biển) trên khắp nước Nga, từ Siberia đến khu vực Krasnodar, từ miền Trung châu Âu của Nga tới Biển Caspian (phía Nam nước Nga).

Trong số 17 quốc gia, tất cả đều sử dụng trang bị sẵn có của nước chủ nhà, chỉ duy nhất có Trung Quốc mang “hàng nội” sang thi đấu. Để phục vụ cho đội tuyển của mình, PLA đã huy động nhiều đợt máy bay vận tải bay sang Nga, đưa 158 đơn vị thiết bị đến Alabino.

Bộ Quốc phòng Nga đã lên kế hoạch từ đầu năm, chuẩn bị sẵn vũ khí, trang bị cho các đội nước ngoài, bao gồm 279 đơn vị thiết bị, bao gồm cả 54 máy bay và máy bay trực thăng và 2 tàu tên lửa cỡ nhỏ.