Áp đặt… cứu trợ

ANTĐ - Vào thời điểm nguy cơ chết chìm vì gánh nặng nợ công đang lộ rõ mà Hy Lạp và Uỷ ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn chưa thống nhất được các điều kiện để “chiếc phao cứu sinh” được tung ra.

Về tình hình tài chính hiện nay của Hy Lạp, quốc gia này sẽ vỡ nợ nếu không giải ngân khoản cứu trợ mới trước ngày 20-3 tới để có tiền thanh toán khoản nợ trái phiếu chính phủ 14,4 tỷ euro đã đến thời điểm đáo hạn. Đó là chưa kể chương trình hoán đổi nợ, đổi nợ cũ lấy trái phiếu mới, có thể tạo ra sự thiếu hụt lên tới 15 tỷ euro nếu Athen phải đáp ứng mục tiêu IMF đặt ra là duy trì nợ công ở mức có thể chống đỡ được.

Theo thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tháng 10-2011, để giải ngân các khoản cứu trợ tiếp theo trong gói cứu trợ thứ nhất từ EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), cũng như được thông qua gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro từ 2 thể chế này, Hy Lạp phải thuyết phục các chủ nợ xóa 100 tỷ euro trong tổng số nợ 350 tỷ euro của nước này, đồng thời triển khai một chương trình điều chỉnh kinh tế mới.

Nhưng để nhận được chiếc phao cứu sinh từ các tổ chức tín dụng, Hy Lạp phải bổ sung trong chính sách “thắt lưng buộc bụng” một loạt các biện pháp như cắt giảm lương tối thiểu trong khu vực tư nhân, lương hưu, xóa bỏ lương tháng thứ 13 và 14... như một phần trong kế hoạch cắt giảm chi tiêu trị giá 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Các chủ nợ tư nhân cũng đòi Hy Lạp chấp nhận mức lãi suất 3,5% đến 4% cho các trái phiếu sẽ được Athen phát hành để hoán đổi nợ.

Trong khi các nhà tài trợ quốc tế cho rằng việc cắt giảm tiền lương sẽ giúp nền kinh tế Hy Lạp nâng cao khả năng cạnh tranh, thì giới doanh nghiệp, công đoàn và các đảng phái chính trị hàng đầu ở xứ sở thần thoại lại cho rằng việc thực hiện những biện pháp trên sẽ khiến sự suy thoái kinh tế Hy Lạp kéo dài 5 năm nay càng thêm trầm trọng. Mỗi bên đều có lý nhưng có một thực tế là Hy Lạp không thể trông đợi các nước EU khác cũng như các tổ chức quốc tế tiếp tục tài trợ cho một đất nước không thích nghi với thực tế và không giải quyết được các vấn đề của mình.

Vấn đề đặt ra với chính phủ Hy Lạp hiện nay là làm thế nào để hạn chế tối đa tình trạng thất nghiệp ở Hy Lạp hiện đã lên tới con số 900 nghìn người, có thể dẫn đến biến động chính trị ở nước này. Athen cũng phải tính đến khả năng trả nợ trong tương lai nếu chấp nhận mức lãi suất của các khoản vay mới thấp nhất là 4% theo như đề nghị của các ngân hàng tư nhân yêu cầu. Nhiều người Hy Lạp cho rằng đây là lối hành xử theo kiểu lợi dụng khó khăn của người khác để áp đặt các điều kiện quá đáng.

Tranh cãi giữa Hy Lạp và “bộ tam” tài trợ quốc tế hiện lâm vào ngõ cụt trong khi thời điểm đáo hạn nợ 20-3 đang đến gần. Giới công đoàn Hy Lạp tuyên bố sẽ tiến hành cuộc tổng bãi công trên toàn quốc trong ngày 7-2 nếu chính phủ nước này đạt được thỏa thuận với “bộ tam” về điều kiện trợ giúp tài chính. Nguy cơ “vỡ nợ không thể kiểm soát” vào tháng 3 tới vẫn treo lơ lửng trên đầu đất nước Hy Lạp. Nó cũng đặt châu Âu “bên bờ của sự suy thoái” nếu như cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp không được giải quyết ổn thỏa. Hiện ngoài Hy Lạp, Tây Ban Nha, Iceland, Hungari cũng khó có thể tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ nếu như không được cứu trợ khẩn cấp.