[ẢNH] Xe tăng T-55-64: Sự kết hợp độc đáo giữa hai dòng chiến xa huyền thoại

ANTD.VN - Xe tăng chiến đấu chủ lực T-55-64 được Nhà máy Kharkov của Ukraine tạo ra bằng cách kết hợp khung thân T-64 với tháp pháo của T-55.

Hiện nay nhu cầu nâng cấp các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ cũ như T-55, T-64, T-72... đang diễn ra rất sôi động, một trong những sản phẩm tiêu biểu chính là T-64BM Bulat của Ukraine.

Không chỉ hiện đại hóa T-64, dòng chiến xa cổ điển hơn là T-55 cũng được nâng cấp thông qua rất nhiều phiên bản mà T-55AGM là sản phẩm đáng chú ý nhất, giúp cho chiếc MBT cổ điển này sánh ngang T-80.

Sau khi nhìn qua hai mẫu xe tăng trên thì có lẽ nhiều người sẽ phải thắc mắc không biết chiếc T-55-64 (còn gọi là T-64-55) sau đây là bản nâng cấp của T-55 hay giáng cấp của T-64.

Nhà máy Kharkov của Ukraine đã tạo ra chiếc chiến xa đặc biệt này bằng cách kết hợp giữa khung thân của T-64 với tháp pháo của T-55 để tạo ra một xe tăng lai ghép độc đáo.

Xe tăng T-55-64 sử dụng khung thân của T-64BV nhưng tháp pháo lại là kiểu cũ của T-55, gắn pháo chính nòng xoắn D-10T2S cỡ 100 mm với cơ cấu nạp đạn thủ công thay vì tự động.

Mục đích chính của gói sửa đổi trên được cho là nhằm đáp ứng yêu cầu của việc nâng cao tính cơ động cũng như đơn giản hóa trong quá trình đào tạo nhân sự vận hành.

Do tháp pháo của T-55 nhẹ hơn T-64, cho nên xe tăng T-55-64 chỉ nặng khoảng 33,8 tấn, cắt giảm được 7 tấn so với khối lượng của T-64 nguyên bản, thậm chí còn nhẹ hơn cả T-55 (36 tấn).

Ưu điểm đầu tiên của cấu hình kết hợp trên đó là giúp cho động cơ được giảm tải đáng kể, tác dụng tăng độ bền, độ tin cậy và nâng cao khả năng di chuyển linh hoạt.

Ngoài ra do trọng lượng toàn phần của xe được tiết giảm mà có thể lựa chọn gia tăng mức độ bảo vệ bằng cách lắp ghép thêm nhiều tấm giáp phản ứng nổ hay giáp phụ composite bổ sung.

Kể cả khi đắp đầy đủ các tấm giáp gia cường khi mức độ cơ động của xe tăng T-55-64 vẫn tốt hơn hẳn T-64 và T-55 nguyên bản, đi kèm theo đó dĩ nhiên là khả năng tự bảo vệ cũng tăng đáng kể.

Do tiết giảm hệ thống nạp đạn tự động, thao tác vận hành cũng như đảm bảo kỹ thuật cho xe tăng T-55-64 cũng trở nên đơn giản hơn rất nhiều so với nguyên bản T-64.

Xe tăng chỉ phải tiến hành một vài chỉnh sửa ở tháp pháo của T-55 sao cho phù hợp với phần thân của T-64 vốn được tối ưu hóa cho pháo nòng trơn 125 mm gắn thiết bị nạp tự động.

Động cơ của xe tăng T-55-64 vẫn là loại diesel tăng áp 5TDF có công suất máy 700 mã lực, thông số này khá lý tưởng cho chiếc xe tăng chỉ nặng chưa đầy 34 tấn.

Nhờ "trái tim" trên mà xe tăng T-55-64 có thể chạy với vận tốc tối đa 60 km/h trên đường nhựa, dự trữ hành trình 600 km, tức là tương đương với T-90A/S đời đầu.

T-55-64 có thể leo dốc 32 độ; vượt vật cản thẳng đứng cao 0,8 m; băng qua hào rộng 2,7 m; lội nước sâu 1,8 m khi không chuẩn bị hoặc đi ngầm ở độ sâu 5 m dưới lòng sông khi lắp ống thông hơi.

Mặc dù vậy, sau quá trình thử nghiệm thì xe tăng T-55-64 không được triển khai trên diện rộng với lý do là khẩu pháo D-10T2S tỏ ra quá yếu, không đủ sức đối đầu trực diện với những chiếc MBT tối tân ngày nay.