[ẢNH] Vì sao Yak-130 là giải pháp đủ sức thay thế cả MiG-21 lẫn Su-22?

ANTD.VN - Máy bay huấn luyện cao cấp Yak-130 theo lời giới thiệu của nhà sản xuất thì hoàn toàn đủ khả năng đảm nhiệm thêm vai trò của tiêm kích phòng không hay cường kích tấn công mặt đất.  

Ngày 24-12-2018, trang bmpd.livejournal đã đăng tải một đoạn video ghi lại cảnh giao hàng máy bay huấn luyện phản lực Yak-130 cho Không quân nhân dân Lào.

Từ năm 2016 đã rộ lên nhiều tin đồn về việc Không quân Lào quyết định đặt hàng số lượng lớn máy bay huấn luyện Yak-130, tuy nhiên phải đến bây giờ thương vụ này mới được xác nhận.

Một điều đáng chú ý đó là trong biên chế Không quân Lào, Yak-130 còn đảm nhiệm cả vai trò tiêm kích phòng không lẫn cường kích tấn công mặt đất sau khi phi đội MiG-21 của Vientian nghỉ hưu.

Quyết định của Lào lựa chọn máy bay huấn luyện để đảm nhiệm chức năng của cả tiêm kích lẫn cường kích chuyên nghiệp mới nghe qua có vẻ khó hiểu, nhưng nếu nhìn kỹ tính năng của Yak-130 thì cũng là điều chấp nhận được.

Yak-130 là một chiếc máy bay rất linh hoạt, có khả năng chịu quá tải ở mức 8G và thực hiện được những động tác thao diễn đặc biệt nhằm huấn luyện phi công lái máy bay chiến đấu cao cấp.

Yak-130 có buồng lái kiểu nhà kính với hệ thống điều khiển fly-by-wire tiên tiến gồm 3 màn hình hiển thị đa chức năng. Phi công phía trước còn có thể sử dụng hệ thống hiển thị mục tiêu trên mũ bay để tăng khả năng phản ứng.

Tổng trọng tải vũ khí mà Yak-130 mang được là 3.000 kg, phân bổ trên 8 giá treo ở thân và cánh. Đặc biệt, khoang mũi của Yak-130 hoàn toàn phù hợp để lắp đặt radar Osa được phát triển bởi NIIP Zhukovsky.

Radar này có thể theo dõi 8 mục tiêu, đồng thời tấn công 4 mục tiêu trên không hoặc 2 mục tiêu mặt đất cùng lúc. Phạm vi dò tìm mục tiêu với diện tích phản xạ radar 5 m2 là 85 km, tự động khóa mục tiêu từ cự ly 65 km.

Dễ thấy Yak-130 vượt trội MiG-21, Su-22 ở khả năng thao diễn trong không gian hẹp, cũng như tải trọng và các loại vũ khí không chiến tầm xa. Với radar Osa cùng tên lửa R-73, Yak-130 sẽ phần nào có thể tác chiến độc lập.

Tuy nhiên với đặc trưng của máy bay huấn luyện, Yak-130 có tốc độ leo cao rất kém, cửa hút gió cũng đặc trưng cho việc hoạt động ở tốc độ cận âm.

Do vậy Yak-130 sẽ cực kỳ bất lợi nếu gặp phải một chiếc tiêm kích siêu âm nhanh nhẹn sử dụng chiến thuật "kéo cao - bổ nhào", trong trường hợp này khả năng chiến thắng của Yak-130 gần như không có.

Tuy nhiên xét về tổng thể thì Yak-130 là lựa chọn không tồi với một quốc gia có ngân sách quốc phòng ở mức vô cùng eo hẹp như Lào, khi họ chẳng thể mua các loại tiêm kích và cường kích chuyên nghiệp.

Yak-130 đóng vai trò giải pháp tạm thời rất tốt khi lực lượng sử dụng chưa có phương án nào tốt hơn để cấp tốc thay thế tiêm kích MiG-21 lẫn cường kích Su-22.

Phương án tận dụng máy bay huấn luyện cho chức năng chiến đấu còn được Philippines áp dụng khi họ đang vận hành phi đội F/A-50 do Hàn Quốc sản xuất.