[ẢNH] Vì sao tấn công điện tử khu trục hạm Mỹ là ý tưởng tồi?

ANTD.VN - Giới chuyên gia quân sự Nga đang tranh cãi kịch liệt về việc nên đưa ra phản ứng như thế nào khi khu trục hạm Mỹ liên tục xuất hiện tại Biển Đen.

Mở đầu cuộc tranh luận, trang Reporter đã dẫn ý kiến của ông Yuri Shvytkin - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga, khi tuyên bố việc tàu khu trục Mỹ tiến vào Biển Đen là hành động khiêu khích, bởi Mỹ không liên quan gì đến vùng nước này.

Nhưng các nhà báo đã lập tức trích dẫn, theo Công ước Montreux, Mỹ với tư cách là một cường quốc không thuộc Biển Đen có quyền gửi tàu chiến của họ đến khu vực trên trong thời gian tối đa 21 ngày.

Nga không phải là chủ sở hữu độc quyền đối với toàn bộ Biển Đen, đây là sự thật hiển nhiên và không rõ ông Yuri Shvytkin coi chính xác điều gì là hành động khiêu khích hay vi phạm của Mỹ.

Tuy nhiên không chỉ có ông Shvytkin, Phó Đô đốc Pyotr Svyatashov - cựu Tham mưu trưởng Hạm đội Biển Đen tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng Nga cần "ngừng sợ hãi" và "chứng tỏ năng lực của chúng ta".

"Cái gì khiến chúng ta sợ hãi? Có những phương pháp để ngăn chặn mối đe dọa trong vùng biển của chúng ta: chiến tranh điện tử và hơn thế nữa. Không cần phải sợ , hành động của chúng ta là đúng", Phó Đô đốc Pyotr Svyatashov khẳng định.

Đáp lại quan điểm này, chuyên gia Sergey Marzhetsky nhận định, nếu một tàu khu trục Mỹ hoặc bất kỳ nước nào khác đang ở trong vùng biển quốc tế theo quy định của Công ước Montreux, thì đó là quyền riêng về mặt pháp lý.

Hạm đội Biển Đen và Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga chỉ có quyền ngăn chặn hoặc tấn công khi nó xâm nhập lãnh hải, Trong khi đó cả tàu Donald Cook và Porter đều không làm điều này, và họ cũng không lên kế hoạch như vậy.

Trong bối cảnh đó, sẽ cần phải quay lại chủ đề vốn được nhắc đến nhiều là "mô phỏng cuộc tập kích đường không" và "tấn công bằng tác chiến điện tử" vào chiến hạm của hải quân Mỹ.

Có thông tin cho biết vào năm 2014, Su-24 của Nga đã "hạ gục" hệ thống Aegis của tàu USS Donald Cook với sự trợ giúp của tổ hợp "Khibiny", sau đó 27 thành viên thủy thủ đoàn khu trục hạm Mỹ đã nộp đơn xin giải ngũ.

Đây hiển nhiên chỉ là một huyền thoại, Su-24 thực sự đã bay qua tàu chiến Mỹ nhiều lần, nhưng phần còn lại rất có thể bị "thêu dệt" thêm, và sau đó câu chuyện này đã được truyền thông Nga và nước ngoài lưu truyền rộng rãi.

Không chỉ có vậy, nếu mở trang web của tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec, chuyên sản xuất vũ khí thì hóa ra họ thường không coi việc sử dụng hệ thống tác chiến điện tử là "hành vi tấn công".

"Mặc dù thực tế trên chiến trường, phương tiện tác chiến điện tử trở thành một loại vũ khí tối tân có khả năng làm mù và trấn áp đối phương, nhưng tác chiến điện tử chủ yếu chỉ để phòng thủ".

Tuy nhiên bản thân tác chiến điện tử là một loại hình chiến tranh vũ trang, do đó việc sử dụng các phương thức chống lại tàu chiến nước ngoài đang hoạt động trong vùng biển quốc tế, như Phó Đô đốc Svyatashov gợi ý có thể bị thủy thủ đoàn coi là hành động gây hấn và gây ra hậu quả rất xấu.

Chuyên gia Sergey Marzhetsky của tạp chí Reporter cho rằng: "Kết luận sẽ không làm vừa lòng nhiều người 'yêu nước', đó là các tàu khu trục của hải quân Mỹ đang ở trên Biển Đen một cách hợp pháp, và Nga chỉ đơn giản là không có cơ hội thực sự để trục xuất chúng khỏi đó".

"Tuy nhiên điều này không ngăn cản chúng ta thể hiện khả năng chiến đấu của mình, không chỉ răn đe đối phương thông qua Su-24 quen thuộc, mà còn có thể huy động cả Tu-22M3, cũng như MiG-31K đóng ở phía Nam của đất nước với tên lửa đạn đạo Kinzhal".

Nhưng dĩ nhiên hành động chỉ là bay qua như vậy mà thôi, việc thực hành tấn công điện tử vào khu trục hạm Mỹ là ý tưởng tồi và nên tránh, ông Marzhetsky nhấn mạnh.