[ẢNH] Vì sao phe kháng chiến Afghanistan bỏ trực thăng Mỹ để dùng trực thăng Nga?

ANTD.VN - Khi bị các tay súng Taliban truy kích vào căn cứ chính tại thung lũng Panjshir, lực lượng Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (FANR) đã quyết định bỏ lại 3 chiếc trực thăng Mỹ và rút lui bằng 3 chiếc trực thăng Mi-17 của Nga. 
Hiện nay Mi-17 là dòng trực thăng duy nhất được lực lượng Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan sử dụng. Chúng thường thực hiện các chuyến bay bí mật qua lại giữa Tajikistan và một các vùng đất trong thung lũng Panjshir do FANR kiểm soát.
Trong biên chế của lực lượng Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan từng có 6 chiếc trực thăng bao gồm 3 chiếc Mi-17 do Nga sản xuất và 2 chiếc UH-60 cùng 1 chiếc MD-530 do Mỹ sản xuất.
Những chiếc trực thăng này từng giúp rất nhiều cho lực lượng FANR trong những tuần lễ đối đầu với Taliban tại thung lũng Panjshir.

Trực thăng UH-60 còn được phe kháng chiến dùng làm "cầu hàng không" tiếp tế cho các cao điểm phòng thủ trước khi thung lũng Panjshir thất thủ.

Tuy nhiên khi Taliban tràn vào thung lũng Panjshir, phe kháng chiến lại chọn giải pháp vứt bỏ 3 chiếc trực thăng Mỹ (Hình ảnh binh lính Taliban tuần tra bên cạnh trực thăng UH-60).

Và trước khi rút lui, họ cũng không quên học theo Mỹ là tìm cách vô hiệu hóa toàn bộ 3 chiếc trực thăng này, để chúng rơi vào tay Taliban thì cũng không khác gì đống sắt vụn.

Hình ảnh mới nhất về dòng trực thăng Mi-17 được thủ lĩnh phe kháng chiến sử dụng khi di chuyển từ Tajikistan về lại căn cứ của FANR nằm sâu trong thung lũng Panjshir.
Tại sao lực lượng Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (FANR) lại chọn trực thăng Nga thay vì trực thăng Mỹ? Câu hỏi này đã được một số chuyên gia phân tích giải thích.
Công bằng mà nói, trực thăng UH-60 của Mỹ không thua kém Mi-17 của Nga, thậm chí chúng còn nhỉnh hơn về hệ thống điện tử.
Tuy nhiên trực thăng Nga lại có lợi thế là hoạt động tốt trên các vùng núi cao, đây vốn là cứ địa hiện tại của lực lượng FANR sau khi họ bị Taliban đánh bật ra khỏi căn cứ chính nằm giữa thung lũng.
Tiếp đến phi công biết lái trực thăng Mi-17 dễ tìm hơn UH-60, vì thực tế Afghanistan đã có truyền thống sử dụng phiên bản trực thăng Mi-8 (tiền thân của Mi-17) trước đó.
Cuối cùng cũng là lý do quan trọng nhất, đó chính là việc Tajikistan vẫn công khai ủng hộ cho FANR. Do nước này đang sử dụng rất nhiều trực thăng Mi-8/17, nên khi cần thiết, họ có thể dễ dàng bảo dưỡng, sửa chữa thay thế linh kiện cho những chiếc trực thăng của phe kháng chiến Afghansitan.
Nếu tiếp tục sử dụng UH-60, phe kháng chiến Afghanistan sẽ gặp nhiều bất cập hơn là lợi thế, khi mà căn cứ chính tại thung lũng đã rơi vào tay Taliban, vì thế trong lúc nguy cấp, họ đã chọn trực thăng Nga thay vì trực thăng Mỹ.
Mỹ bắt đầu mua trực thăng Mi-17 của Nga cho quân đội Afghanistan từ năm 2005. Hợp đồng ban đầu gồm 50 chiếc. Sau đó các năm tiếp theo Mỹ đã mua thêm 45 chiếc nữa, nâng tổng số Mi-17 lên 95 chiếc.
Mỹ buộc phải mua trực thăng Mi-17 của Nga cho quân đội Afghanistan, vì dòng trực thăng này có thể hoạt động ổn định hơn UH-60A ở địa hình núi cao.
Trong nhiều năm, phi đội trực thăng Mi-17 đã trở thành xương sống của lực lượng không quân Afghanistan. Chúng được sử dụng thường xuyên trong các nhiệm vụ vận chuyển binh lính, đạn dược và sơ tán người bị thương.
Trong suốt quá trình hoạt động trong biên chế Afghanistan, Mi-17 cũng chịu những tổn thất nhất định trước hỏa lực Taliban. Ước tính đã có hàng chục chiếc Mi-17 của không quân Afghanistan bị Taliban bắn hạ.
Những chiếc Mi-17 thường bị các tay súng Taliban dùng tên lửa phòng không vác vai hoặc pháo cao xạ phục kích bắn hạ.
Trực thăng Mi-17 là biến thể mới của trực thăng Mi-8 huyền thoại, chúng được trang bị động cơ mới có công suất lớn hơn và khung máy bay được gia cường để đáp ứng yêu cầu gia tăng tải trọng hàng hóa.
Ngoài năng lực vận tải, Mi-17 còn có thể mang theo rocket, pod súng máy và cả tên lửa chống tăng để yểm trợ hỏa lực mặt đất, từ đó biến chúng thành trực thăng tấn công hạng nhẹ.
Điểm khác biệt dễ nhận thấy của dòng trực thăng cải tiến Mi-17 so với Mi-8 nguyên bản đó là nó được bổ sung thêm 2 lưới lọc trước cửa hút không khí của động cơ.
Ngoài ra cánh quạt đuôi của chiếc Mi-17 được bố trí ở bên trái thay vì bên phải như Mi-8 để tăng khả năng ổn định của trực thăng, do động cơ mới có công suất lớn hơn.
Trực thăng Mi-17 có kíp lái 3 người; chiều dài 18,465 m; đường kính rotor 21,25 m; chiều cao 4,76 m; trọng lượng rỗng 7.489 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 13.000 kg.
Máy bay được trang bị 2 động cơ Klimov TV3-117VM công suất 1.633 kW (2.190 shp) mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 250 km/h, tầm bay 960 km, trần bay 6.000 m.
Khoang chở hàng của trực thăng Mi-17 có sức chứa 30 binh sĩ được vũ trang đầy đủ. Khi cần thiết chúng có thể mang theo 1.500 kg vũ khí dưới 6 giá treo bao gồm bom, rocket, súng máy gắn ngoài và tên lửa chống tăng.
Hiên nay, ước tính vẫn còn khoảng hơn 30 chiếc Mi-17 đang hoạt động tại Afghanistan, trong đó có 3 chiếc thuộc lực lượng FANR, còn lại khoảng 30 chiếc thuộc Taliban.