[ẢNH] Vì sao Nga cảm thấy "lạnh gáy" khi Ba Lan sở hữu số lượng lớn F-35?

ANTD.VN - Ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin công bố kế hoạch mua sắm 76 tiêm kích tàng hình Su-57 cho không quân Nga thì các quốc gia xung quanh đã lập tức đưa ra phản ứng đáp trả.

Hãng tin Anh Reuters cho biết, Ba Lan đã lên kế hoạch đặt mua 32 tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II từ Mỹ để thay thế cho các chiến đấu cơ từ thời Liên Xô đang có trong biên chế.

Đề nghị trên của Warsar được xem là đúng lúc, bởi Mỹ cũng đang muốn bán F-35 cho 5 quốc gia đồng minh trong đó có Ba Lan để tăng cường mối quan hệ về mặt quân sự trong bối cảnh tình hình chính trị phức tạp như hiện tại.

Ba Lan hiện là một trong số ít quốc gia thành viên NATO chịu chi đủ 2% GDP cho ngân sách quốc phòng theo đúng thoả thuận tham gia tổ chức hiệp ước quân sự này.

Sở dĩ có tình trạng trên là bởi vị trí địa lý của Ba Lan quá gần Nga, nước này luôn lo ngại một kịch bản tương tự Ukraine có thể xảy ra với mình, bởi vậy Warsaw đặc biệt chú trọng tăng cường quốc phòng.

Thông tin Ba Lan muốn mua tới 32 tiêm kích tàng hình F-35A được đưa ra không lâu sau kế hoạch trang bị cho không quân Nga 76 chiến đấu cơ thế hệ 5 Su-57 mà Tổng thống Putin vừa tuyên bố.

Ước tính ngân sách quốc phòng của Ba Lan vào giai đoạn sau năm 2020 có thể tăng lên tới 21 tỷ USD, cho phép nước này ký kết những hợp đồng quân sự rất lớn.

Số lượng 32 tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II theo đánh là sẽ giúp không quân Ba Lan tạo ra ưu thế rõ rệt trước Nga khi Su-57 còn chưa hoàn thiện và chỉ được sản xuất nhỏ giọt.

Chính quyền Ba Lan kỳ vọng rằng phi đội tiêm kích tàng hình F-35 mà họ dự kiến sở hữu sẽ khiến ưu thế về số lượng áp đảo của không quân Nga trở thành vô nghĩa.

Bên cạnh đó còn một vấn đề nữa khiến Nga tỏ ra cực kỳ lo ngại việc Ba Lan được trang bị tiêm kích tàng hình F-35 đó là phương tiện này có thể âm thầm xâm nhập tuyến phòng không Nga để tập kích thẳng vào Moskva.

Nguy cơ này từng được ông Victor Esin, Đại tá, Giáo sư - Tiến sĩ, Phó Chủ tịch thứ nhất - Học viện An ninh, Quốc phòng và Luật; đồng thời là cựu Tham mưu trưởng - Phó Tư lệnh đầu tiên của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga đề cập đến.

Mọi việc thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn nếu như trong trường hợp chiến tranh tổng lực nổ ra, Mỹ sẽ cung cấp bom hạt nhân chiến thuật B61-12 cho tiêm kích F-35 của đồng minh.

Khi đó "Liên quan đến Nga, nó không còn là vũ khí chiến thuật nữa vì có khả năng tiếp cận đối tượng là các khu công nghiệp trung tâm của đất nước, các thành phố lớn bao gồm cả Moskva", ông Esin cho biết.

Vị chuyên gia quân sự Nga lưu ý rằng Mỹ đang tiến hành tích hợp bom hạt nhân B61-12 vào tiêm kích F-35 như kế hoạch dài hạn để triển khai một chiếc F-35 với khả năng cung cấp tùy chọn tấn công hạt nhân chính xác cho các cấp chỉ huy.

Với việc đảm nhiệm tốt cả hai vai trò tiêm kích phòng không lẫn tấn công chiến lược, không khó hiểu vì sao Nga lại tỏ ra đặc biệt lo ngại trước kế hoạch mua sắm F-35 của không quân Ba Lan.