[ẢNH] Vì sao "mãnh điểu lưng gù" MiG-29SMT Nga đến rồi đi vội vã khỏi Syria?

ANTD.VN - MiG-29SMT là phiên bản mới nhất trong gia đình tiêm kích MiG-29, chúng được Nga quảng bá có sức mạnh gấp 2,5 lần phiên bản tiền nhiệm, tuy nhiên thực chiến tại Syria lại cho thấy MiG-29SMT không được như kỳ vọng, vì vậy Nga rút về chỉ sau vỏn vẹn hơn 2 tháng triển khai.

Đầu tháng 9-2017 các thông tin hình ảnh rò rỉ cho thấy Nga đã triển khai phi đội MiG-29SMT tới chiến trường Syria. Việc triển khai diễn ra khá âm thầm vì Nga không công bố, nhưng sự xuất hiện của loại máy bay này ngay lập tức gây sự chú ý cho giới quan sát.

Bởi đây là lần thực chiến đầu tiên của chiến đấu cơ được Nga quảng bá mạnh gấp gấp 2,5 lần phiên bản tiền nhiệm.

Nga bắt đầu phát triển MiG-29SMT vào năm 1998, chúng chính thức được giới thiệu vào năm 2004.

Hiện có 18 chiếc MiG-29SMT được chế tạo đang phục vụ trong không quân Nga.

MiG-29SMT chính là biến thể nâng cấp mạnh mẽ từ dòng MiG-29 của Nga. Điểm đặc biệt dễ nhận thấy ở chiếc tiêm kích này là "lưng gù".

Việc tích hợp thêm bình xăng để tăng tầm bay khiến chiếc lưng của MiG-29SMT nhô lên.

Nga cho hay hiệu quả tác chiến của MiG-29SMT đã tăng gấp 2,5 lần so với biến thể MiG-29, đồng thời chí phí hoạt động đã giảm khoảng 40%.

MiG-29SMT có chiều dài 17,3m, sải cánh 11,9m và chiều cao 4,4m.

Khối lượng cất cánh của MiG-29SMT lên tới 37 tấn và chiếc máy bay này được điều khiển bởi 1 phi công.

Để cơ động, MiG-29SMT được trang bị hai động cơ RD-33MK có lực đẩy khô 55kN và lực đẩy sau khi đốt lần 2 lên tới 88kN.

Với hai động cơ cực khỏe này MiG-29SMT có khả năng bay với vận tốc Mach 2, tầm tác chiến 700km.

MiG-29SMT được trang bị một radar mảng pha thụ động Zhuk ME có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 120k. 

Radar này giúp MiG-29SMT có thể phát hiện đồng thời 10 mục tiêu và lựa chọn tiêu diệt cùng lúc 4 mục tiêu trong số đó.

Đặc biệt, tải trọng vũ khí của MiG-29SMT đã tăng từ 3,5 tấn (biến thể đầu) lên tới 4,5 tấn với 7 giá treo (6 trên cánh và 1 dưới bụng thường lắp thùng dầu phụ). 

Việc nâng cấp ở hệ thống điện tử đem lại cho MiG-29SMT khả năng mang vác hầu hết vũ khí chính xác cao của nước Nga.

Các loại vũ khí mà MiG-29SMT có thể trang bị.

Khác với thế hệ trước, MiG-29SMT giờ đây có thể mang tên lửa đối không tầm trung - xa dẫn đường bằng radar chủ động R-77, tên lửa không đối đất Kh-29T/TE, tên lửa chống tàu siêu thanh Kh-31A, tên lửa chống radar Kh-31P và các loại bom có điều khiển.

Tổng công trình sư của Tập đoàn Sản xuất Máy bay Thống nhất của Nga – ông Sergei Korotkov hôm qua cho biết, các chiến đấu cơ MiG-29SMT đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ tại Syria.

"Sự tham gia của loại chiến đấu cơ mới nói trên trong các lần xuất kích đi tấn công kẻ địch đã cho phép chúng tôi xác nhận độ tin cậy và tính hiệu quả của chúng đồng thời đánh giá được hoạt động của các hệ thống vũ khí và điện tử trên máy bay”, ông Korotkov cho hay.

Vị quan chức quân sự Nga còn nói thêm rằng, trong chiến dịch kéo dài hơn 2 tháng vừa qua, máy bay MiG-29SMT đã thực hiện hơn 140 cuộc xuất kích. Trong những lần xuất kích đó, máy bay MiG-29SMT đều hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến việc phá hủy cơ sở hạ tầng của lực lượng khủng bố.

Việc đưa MiG-29SMT đến Syria và mục đích sử dụng nó của Nga đã khá rõ ràng, tuy nhiên theo truyền thông Mỹ, Không quân Nga (VKS) sẽ không thể dùng tiêm kích này cho trận chiến chống khủng bố tại điểm nóng Deir Ezzor. 

Chính điều này đã khiến Nga rút toàn bộ MiG-29SMT về nước chỉ sau hai tháng triển khai dù chiến trường Syria thời điểm đó vẫn đang nóng bỏng cuộc chiến với khủng bố IS tại Deir Ezzor.

Tạp chí quốc phòng Jane's Defence Weekly dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, khi MiG-29SMT được triển khai ở Hmeymim cách thành phố Deir Ezzor khoảng 380km.

Trong khi đó bán kính tác chiến của chiến đấu cơ này chỉ vẻn vẹn 700km. Và nếu VKS phát động tấn công khủng bố tại Deir Ezzor, máy bay MiG-29SMT sẽ không đủ xăng để quay về căn cứ.

Không chỉ hạn chế về tầm tác chiến, theo nguồn tin này toàn bộ số tiêm kích MiG-29SMT hiện có của Nga đều được sản xuất bằng khung của phiên bản MiG-29 có từ những năm 1980 và đây chính là lý do khiến Nga bẽ mặt khi xuất khẩu chiến đấu cơ này.

Cụ thể, vào năm 2006, Bộ Quốc phòng Algeria đã đặt mua 28 chiếc MiG-29SMT và 6 chiếc máy bay huấn luyện MiG-29UB của Nga. Tiêm kích SMT đầu tiên dược giao vào năm 2006 nhưng Algeria sớm nhận ra rằng, các chiến đấu cơ “mới” không phải là mới tất cả.

Phiên bản SMT được lắp ráp bằng khung máy bay cũ và không bán được từ MiG-29 được chứa trong nhà máy Lukhovitsy. Thậm chí còn có khung máy bay được sản xuất cho Iraq từ năm 1980.

Ngay sau đó, Algeria đã đình chỉ giao hàng trong năm 2006 và tái giao hàng năm 2007 nhưng tình trạng vẫn diễn ra tương tự. Algeria đã từ chối trả tiền và yêu cầu thay thế bằng tiêm kích đa năng Su-30MKA của Sukhoi.

Đến năm 2007, có 15 chiếc MiG-29SMT đã được gửi trả lại Nga. Sau khi kiểm tra lại, Không quân Nga đã cho 30 máy bay loại này vào Trung đoàn Không quân 14.

Sau thương vụ này, Nga đã không có phản hồi tích cực mà trái lại đã bác bỏ các cáo buộc của Algeria về chất lượng sản xuất kém và nhấn mạnh việc sử dụng khung máy bay tân trang lại cho tiêm kích MiG là phù hợp.

Tuy vậy, nhà sản xuất MiG dù sao cũng không nhận được tiền từ Algeria cho đến khi những chiếc tiêm kích này được Không quân Nga sở hữu. 

Nguồn tin quân sự Mỹ cho biết: "Ngay cả khi Nga chấp nhận dùng, khó mà biết chắc được rằng VKS có thể hài lòng được hay không".

Vì vậy, việc Nga đưa thêm MiG-29SMT chỉ mang ý nghĩa thị phô trương sức mạnh hơn là khả năng chiến đấu thực tế bởi hiện nay Nga đang triển khai những chiến đấu cơ mạnh hơn nhiều tại Syria như Su-34, Su-35S, Su-30SM, còn nhiệm vụ không kích tấn công phiến quân đã được Su-24 và Su-25 thể hiện rất xuất sắc.