[ẢNH] Vệ tinh Israel tiết lộ tình trạng trực chiến đặc biệt của S-300VM và Su-30MK2 Venezuela

ANTD.VN - Cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Nam Mỹ Venezuela chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt và dĩ nhiên là nguy cơ một cuộc can thiệp quân sự từ nước ngoài vẫn đang hiện hữu.

Công ty ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) của Israel mới đây đã công bố một "bộ sưu tập" về tình hình trực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Venezuela với tổ hợp phòng không S-300VM Antey-2500 và tiêm kích Su-30MK2.

Những tấm ảnh vệ tinh của ISI đưa ra một cái nhìn ngắn gọn về các động thái của quân đội Venezuela trước khả năng can thiệp quân sự của Mỹ cùng các đồng minh. 

Những bức ảnh trên đã cho thấy cái gọi là "hoạt động bất thường" của các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300VM và máy bay chiến đấu Su-30MK2 tại căn cứ không quân Capitan Manuel Rios

Hoạt động này được liên kết với một loạt các cuộc tập trận quân sự diễn ra gần đây do lực lượng vũ trang Venezuela tổ chức để kiểm tra khả năng và thể hiện sự sẵn sàng cho một kịch bản leo thang.

Xét về quan điểm từ trước tới nay, quân đội Venezuela vẫn tuyên bố trung thành với Tổng thống Nicolas Maduro, cho nên dĩ nhiên họ luôn phải sẵn sàng đối phó với kịch bản hứng chịu cuộc không kích từ phía Mỹ.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300VM Antey-2500 được xem như "át chủ bài" của quân đội Venezuela nhằm đánh bại cuộc tập kích đường không của kẻ thù.

S-300VM có năng lực tác chiến rất đáng gờm, nó có thể bắn hạ mọi mục tiêu bay từ máy bay ném bom tàng hình, tiêm kích siêu thanh, tên lửa hành trình bay thấp lẫn tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên đến 2.500 km.

Hệ thống Antey-2500 được trang bị 2 loại đạn tên lửa đánh chặn là 9M83M và 9M82M để phụ trách tiêu diệt vật thể bay ở các dải độ cao hoạt động và cự ly khác nhau.

Toàn bộ các thành phần của S-300VM Antey-2500 đều được đặt trên khung gầm xe bánh xích việt dã cho độ cơ động rất cao, khiến đối phương khó lòng tập kích.

Bổ trợ cho S-300VM là "một rừng" hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và tầm thấp khác như Pechora-2M, Buk-M2E và Igla-S cùng với Strela và pháo phòng không các cỡ.

Tuy nhiên trong tác chiến phòng không, nếu chỉ trông chờ vào tên lửa mặt đất thì bên phòng thủ sẽ luôn phải chịu thiệt hại do tự đặt mình vào thế bị động, bất chấp họ nắm trong tay tổ hợp tối tân nhất.

Để tạo thế phòng thủ chủ động thì luôn cần có sự phối hợp tác chiến chặt chẽ giữa máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa phòng không, cho nên S-300VM của Venezuela rất cần có Su-30MK2 "che đầu".

Hiện nay trong biên chế không quân Venezuela còn 23 tiêm kích đa năng Su-30MK2, chúng nhiều khả năng sẽ là đối tượng đầu tiên đụng độ với máy bay Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột.

Đối phó với tiêm kích bay lên đánh chặn thì chiến đấu cơ đối phương sẽ không thể ung dung ngắm bắn vào các mục tiêu mặt đất nữa mà bị phân tâm rất nhiều.

Thậm chí trong lịch sử tác chiến, đã rất nhiều lần ghi nhận tiêm kích đối phương phải vứt bỏ bom đạn để tập trung đối phó với chiến đấu cơ nước chủ nhà, dẫn tới thất bại trong nhiệm vụ tiêu diệt cơ sở hạ tầng mặt đất.