[ẢNH] Ukraine đe dọa dùng tên lửa Neptune bắn sập cầu vượt eo biển Kerch nối Nga với Crimea

ANTD.VN - Tên lửa hành trình chống hạm Neptune của Ukraine được cho là cũng có khả năng tấn công mục tiêu mặt đất rất lợi hại, sẽ tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng tới cầu vượt eo biển Kerch (cầu Crimea) của Nga.

Vào đầu tháng 4 năm nay, quân đội Ukraine đã thử nghiệm thành công tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Neptune do ngành công nghiệp quốc phòng nước này tự nghiên cứu chế tạo.

Tên lửa chống hạm Neptune được cho là phiên bản nâng cấp sâu dựa trên bản thiết kế Kh-35 Uran ra đời từ thời Liên Xô, với việc nâng cao tầm bắn cũng như độ chính xác tăng lên vượt trội.

So với nguyên bản tên lửa Kh-35 Uran chỉ có tầm bắn 130 km thì Neptune của Ukraine đã nối dài cự ly hoạt động lên tới con số 300 km, tức là gấp hơn 2 lần và vượt cả phiên bản Kh-35U của Nga (tầm xa 260 km).

Các quan chức quốc phòng Ukraine đặt rất nhiều kỳ vọng vào tên lửa Neptune, họ coi thứ vũ khí này là át chủ bài trong chiến lược phi đối xứng với hải quân Nga.

Nhưng vai trò của tên lửa Neptune không chỉ để phòng thủ, vũ khí này còn có khả năng tấn công mặt đất rất đáng gờm, điều này đã được thể hiện qua các tuyên bố của giới quân sự Ukraine.

Cựu thư ký Hội đồng an ninh và quốc phòng Ukraine, ông Alexandr Turchinov hôm 15/7 khẳng định một lần nữa về tính năng đáng sợ của tên lửa hành trình Neptune. 

Theo ông Turchinov, tên lửa Neptune đủ sức tiêu diệt các chiến hạm Nga thuộc bất kỳ lớp nào tại các hải cảng và căn cứ trên biển Đen, biển Azov, và trong vòng vài phút có thể thổi bay cầu Kerchensky (tên gọi khác của cầu Crimea/cầu Kerch).

Trước đó hồi tháng 4/2019, cố vấn của Tổng thống Poroshenko, ông Yuri Biryukov cũng cho rằng tên lửa Neptune có thể vượt qua khoảng cách gần 300 km và bắn trúng các mục tiêu trong vịnh Sevastopol (bán đảo Crimea).

Ông Biryukov nói rằng tên lửa Neptune có thể bay sát mặt biển ở độ cao 5 m để tấn công tàu các tàu chiến và mục tiêu trên bờ. Ông Biryukov nhận định người Nga sẽ phải đặc biệt lo ngại vì loại tên lửa rất khó đánh chặn này.

Ngoài tên lửa chống hạm Neptune, Ukraine được cho là đã âm thầm chế tạo trở lại một loạt tên lửa hành trình đối đất là bản nâng cấp của vũ khí có từ thời Liên Xô với tính năng kỹ chiến thuật vượt trội.

Theo nhận định từ các chuyên gia quân sự, nếu quân đội Ukraine quyết tâm thì họ đủ sức đánh chìm cầu vượt eo biển Kerch thông qua các loại tên lửa hành trình nội địa.

Tuy nhiên sau đó Ukraine sẽ phải hứng chịu những đòn tấn công trả đũa cực kỳ nặng nề từ phía Nga, khi nhiều khả năng Moskva sẽ oanh kích thẳng vào Kiev.

Nhưng nếu tình huống trên diễn ra thì Ukraine cũng có khả năng phóng tên lửa đạn đạo vào tới thủ đô Moskva của Nga, lúc này cuộc chiến sẽ trở thành toàn diện.

Ưu thế chắc chắn thuộc về Nga trong trường hợp hai bên dùng vũ khí thông thường, nhưng đừng quên Ukraine đủ khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân trong thời gian rất ngắn, lúc đó cuộc chiến sẽ "không có người chiến thắng".