[ẢNH] Tuyên bố đầy tự tin nhưng Israel vẫn đặc biệt lo ngại F-35I bị S-300 bắn hạ

ANTD.VN - Trước tình cảnh Quân đội Syria vừa tiếp nhận các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 do Nga chuyển giao thì Không quân Israel cũng phải cấp tốc có động thái tăng cường lực lượng.

Trang Debka của Israel hôm qua 6/10 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ra quyết định sẽ sớm cung cấp thêm cho Không quân Israel một lô tiêm kích tàng hình F-35I Adir tiếp theo.

Động thái này của Mỹ được coi là nhằm thể hiện quyết tâm đứng về phía đồng minh truyền thống, khi đối thủ của họ là Syria vừa được Nga chuyển giao tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300.

Theo lộ trình mua sắm ban đầu, lô 33 chiếc tiêm kích tàng hình F-35I Adir đầu tiên mà Không quân Israel đặt mua sẽ hoàn tất quá trình giao hàng vào năm 2021.

Trong khi đó hợp đồng đặt mua 17 chiếc tiếp theo dự kiến được thanh lý vào tháng 12/2024, thậm chí phi đội F-35 của Israel còn có thể tăng thêm 25%, lên tới 75 chiếc nếu tình hình thực tế yêu cầu.

Việc đồng minh Washington cấp tốc đẩy nhanh tiến độ cung cấp chiến đấu cơ tàng hình F-35I Adir cho Israel đã để lộ ra một vấn đề trái ngược hẳn với những tuyên bố tự tin ban đầu.

Theo Tel Aviv, lực lượng không quân nước này có năng lực tác chiến vượt trội so với phòng không Syria và thậm chí còn nắm vững toàn bộ tính năng kỹ chiến thuật của S-300.

Chính vì vậy mà Nhà nước Do Thái khẳng định rằng S-300 của Syria chẳng có gì đáng sợ, họ sẽ tấn công chớp nhoáng và tiêu diệt nó ngay từ trong trứng nước.

Vũ khí chủ chốt được Không quân Israel chỉ ra trong thế trận "tìm diệt" S-300 không phải phương tiện nào khác mà chính là tiêm kích tàng hình F-35I Adir.

Israel thậm chí còn tự tin tới mức tuyên bố rất hùng hồn rằng các loại radar cảnh giới của S-300 không thể phát hiện ra F-35I, tiêm kích của họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ một cách dễ dàng mà không phải gánh chịu tổn thất.

Tuy nhiên động thái tăng cường thêm tiêm kích F-35I Adir trước khi có thể phải mở cuộc tấn công quy mô lớn cho thấy Không quân Israel chẳng hề tự tin như những gì các tướng lĩnh cấp cao từng phát biểu.

Nếu S-300 của Syria không thể nhận diện được tiêm kích F-35I Adir, trong tương lai dự kiến số lượng khẩu đội trực chiến cũng chưa nằm ngoài khả năng xử lý của phi đội F-35I hiện có thì tại sao Israel lại phải cấp tốc gia tăng quy mô?

Đang có nhận xét cho rằng việc yêu cầu Mỹ khẩn trương bàn giao thêm một phi đội F-35I Adir nữa là bởi vì Không quân Israel xác định họ sẽ phải hứng chịu tổn thất nếu thực hiện chiến dịch hủy diệt S-300.

Khi đó sự bù đắp bằng phi đội F-35I sắp chuyển giao mới đủ đảm bảo cho Không quân Israel vẫn duy trì được ưu thế trên không cần thiết nếu một số máy bay bị S-300 Syria bắn hạ.

Lo xa của các tướng lĩnh Israel rõ ràng là có cơ sở vì S-300 là tổ hợp tên lửa phòng không cực kỳ hiện đại, khác hẳn những chủng loại vũ khí mà Tel Aviv đã từng đối đầu.

Ngoài ra cũng cần nói thêm là vũ khí tấn công dù có hiện đại và vượt trội đến đâu thì cũng chẳng thể nào thực hiện trót lọt nhiều vụ oanh kích mà tránh khỏi tổn thất, cho nên sự đề phòng của Israel bằng cách tăng cường phi đội F-35I cũng là điều dễ hiểu.