[ẢNH] Từ vụ nghệ sĩ Anh Vũ đột tử: Học ngay "bí quyết vàng" cứu người bị đột quỵ

ANTD.VN - Những ngày gần đây nhiều người không khỏi bất ngờ trước sự ra đi của diễn viên Anh Vũ với nguyên nhân được cho là do đột quỵ sau khi tắm đêm. Đột quỵ luôn là nỗi ám ảnh với nhiều người, tuy nhiên bạn có thể nhận biết qua những dấu hiệu cảnh báo trước. Nếu sơ cứu đúng cách, người bệnh có thể giảm biến chứng và nguy cơ tử vong.

Theo chia sẻ từ người nhà của nghệ sĩ Anh Vũ, nguyên nhân cái chết của anh là do sau khi hoàn thành xong suất diễn vào buổi tối, Anh Vũ đã tắm vào thời điểm đêm muộn. Việc tắm khuya có thể là nguyên do khiến anh bị đột quỵ và qua đời khi vừa chìm trong giấc ngủ

Có hai dạng đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não. Tuy nhiên, trên thực tế, đột quỵ thiếu máu não là dạng đột quỵ thường gặp hơn. Cứ 3 bệnh nhân đột quỵ sẽ có 2 người đột quỵ thiếu máu não. Mức độ nghiêm trọng của đột quỵ tùy thuộc vào diện tích vùng não bị tổn thương và thời gian tế bào não không được cung cấp máu đầy đủ. (nguồn: Tuổi Trẻ)

Do đó việc nhận biết sớm những dấu hiệu của đột quỵ và sơ cứu đúng cách sẽ giúp bệnh nhân tăng tỉ lệ hồi phục, giảm tử vong. Trong đó đặc biệt lưu ý 3 dấu hiệu. Thứ nhất, người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội. Thứ hai, bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được, mồm méo. Thứ ba, đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt. (nguồn: Vietnamnet)

Trong nhiều trường hợp, người có triệu chứng đột quỵ chỉ bị "thoáng qua", khoảng một giờ sau đó giảm dần, nhưng không vì vậy mà nghĩ rằng mình đã khỏe. Vì sự tắc nghẽn mạch máu nhỏ sẽ khiến một phần nhỏ mô não bị thiếu máu tạm thời và sớm được phục hồi nhờ cục máu đông tự vỡ (do kích thước nhỏ), hoặc mô não này có thể nhận được dòng máu từ một nhánh mạch máu cạnh bên

Việc đầu tiên cần làm là đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất. Trong khi chờ xe cấp cứu, càng nhanh càng tốt cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng cao đầu 30-45 độ, mặc quần áo thoáng

Để bệnh nhân nằm nghiêng, xoay nghiêng sang 1 bên để tránh bị sặc. Trường hợp bệnh nhân bị nôn, cần xoay người bệnh nhân sang 1 bên, để tránh đờm, dãi chui vào mũi, phổi

Nếu người bệnh bị co giật, phải lập tức dùng chiếc đũa bọc giẻ, đặt ngang miệng bệnh nhân để tránh cắn vào lưỡi

Nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê: cần xem bệnh nhân thở bình thường, thở nhanh, thở chậm hay ngừng thở. Nếu ngừng thở thì cần hô hấp nhân tạo, vì cấp cứu hô hấp là việc đầu tiên phải làm để đảm bảo đủ oxy cho tim và não

"Thời gian vàng" để cấp cứu tính từ triệu chứng khởi phát cơn đột quỵ là 6 giờ. Thời gian tốt nhất là 3 giờ sau khi xảy ra cơn đột quỵ. Ngày nay người ta có thể dùng thuốc làm tan cục máu gây ra tắc mạch máu não cho những người bệnh đến viện sớm trong vòng 4,5 giờ sau khi khởi phát bệnh. Từ 4,5-6 giờ chỉ còn có thể áp dụng thông mạch bằng dụng cụ rút huyết khối. Nếu muộn hơn, không còn thông mạch được nữa thì việc điều trị rất khó khăn, khả năng tiên lượng xấu rất cao

Những sai lầm khi cứu người đột quỵ: Chờ đợi để hy vọng các triệu chứng thoái lui. Trì hoãn việc tiếp cận cơ sở y tế có điều kiện xử trí đột quỵ. (nguồn: Vn Express)

Không cho người bệnh ăn hay uống bất cứ thứ gì,đề phòng nôn ói, trào ngược thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm

Không cho bệnh nhân sử dụng bất cứ thuốc gì. Không tự ý dùng thuốc hạ áp hay ngậm thuốc huyết áp dưới lưỡi. Bởi vì đột quỵ có hai dạng đột quỵ do thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não, nếu bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu thì khi ngậm thuốc dưới lưỡi sẽ làm tuột huyết áp, các tĩnh mạch càng thiếu máu, làm tăng nguy cơ tử vong hơn