[ẢNH] Trước nguy cơ sa lầy của không quân Nga, chiến trường Syria thêm khốc liệt

ANTD.VN - Cuộc chiến kéo dài, nhiều phe phái tham chiến được các cường quốc bảo trợ, quân đội Syria vẫn chưa tạo được đột phá trên chiến trường và phải nhờ tới sự trợ giúp của không quân Nga. Điều này đang khiến cho giới quan sát lo ngại về một sự sa lầy mới của Nga tại Syria.

Cuộc nội chiến tại Syria đã bước sang năm thứ 7 và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Ngoài Nga, Mỹ, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp đưa quân vào tham chiến thì còn có một số quốc gia khác ngấm ngầm ủng hộ các lực lượng đang tham chiến tại Syria.

Cuộc chiến tranh Syria đánh dấu lần đầu tiên Nga triển khai quy mộ một lực lượng không quân hùng hậu kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Không thể phủ nhận vai trò của không quân Nga trong cuộc chiến tại Syria. Họ đã góp công lớn vào việc tiêu diệt khủng bố IS.

Đồng thời Nga cũng đang góp phần chủ đạo vào cuộc chiến chống lại phiến binh thánh chiến tại tử địa Đông Ghouta.

Tuy cuộc chiến tại Đông Ghouta vẫn chưa ngã ngũ, nhưng nếu thiếu vai trò của không quân Nga, quân đội Syria sẽ không thể chống lại được với những nhóm phiến binh được trang bị đầy đủ và có kỹ năng chiến đấu tốt hiện đang chiếm lĩnh khu vực này.

Sau khi rút bớt một số khí tài về nước sau khi khủng bố IS sụp đổ, Nga đã buộc phải tăng cường thêm máy bay và một lượng bom đạn sang chiến trường Syria.

Cuộc tăng cường dù ít ỏi nhưng nó vẫn cho thấy sự cần thiết của không quân Nga trên chiến trường này. Thực tế cho thấy quân đội Syria nếu thiếu đi sự hỗ trợ từ không quân Nga, họ không thể có được những chiến thắng trong các cuộc tấn công.

Nhiều mũi tấn công của quân đội Syria liền biến thành một cuộc rút chạy thậm chí mất cả căn cứ trước đó khi thời tiết xấu và máy bay Nga không thể xuất kích.

Chính điều này buộc Tổng thống Putin phải ra lệnh cho không quân nước này bằng mọi giá phải vô hiệu hóa phiến quân trên chiến trường Syria.

Nga hầu như cũng đã triển khai toàn bộ vũ khí mạnh mẽ nhất của mình sang chiến trường này.

Từ các loại cường kích vốn đã được chứng minh trong các cuộc chiến trước đó như Su-24, Su-25.

Các kỹ thuật viên quân sự của Nga đang lắp tên lửa cho máy bay cường kích Su-24.

Các loại máy bay mới nhất như Cường kích Su-34 và phiên bản nâng cấp của các loại máy bay ném bom chiến lược như T-95SM, Tu-22M3, Tu-160 cũng được sử dụng trong cuộc chiến này.

Hình ảnh các máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 của không quân Nga.

Hình ảnh máy bay cường kích Su-25 cùng các loại bom đang được triển khai tại sân bay Hmeymim, Syria.

Hàng loạt chiến đấu cơ Su-24 của không quân Nga đang hoạt động tại chiến trường Syria.

Chiếc Su-25M3 và đằng sau là radar cảnh báo của không quân Nga tại căn cứ Hmeymim, Syria.

Nga cũng đã tăng cường thêm các máy bay tiêm kích đa năng như Su-35, Su-30 và một số chiến đấu cơ Su-27 sang tăng cường cho chiến trường này.

Dù gặt hái những thành công nhưng nguy cơ về một sự sa lầy tại Syria đối với không quân Nga đang ngày càng hiện rõ.

Cục diện chiến trường Syria hiện tại vẫn chưa ngã ngũ với 4 lực lượng chính.

Quân đội Syria tự do (FSA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. 

Lực lượng phiến binh thánh chiến mà đứng đầu là khủng bố HTS vốn là chi nhánh của Al-Qeada tại Syria. Hiện lực lượng này được một số quốc gia hồi giáo đối lập với chính quyền Assad hậu thuẫn.

Lực lượng thứ ba chính là quân đội Syria (SAA) đang được Nga và Iran hậu thuẫn. 

Cuối cùng chính là lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ đỡ đầu.

Dù Nga tăng cường sự hiện diện không quân nhưng điều đó dường như chưa đủ để tạo ra lợi thế của quân đội Syria trước các lực lượng tham chiến còn lại.

Nga đã vũ trang mạnh mẽ và trực tiếp huấn luyện, nhưng ngoại trừ lực lượng đặc nhiệm Tiger, các cánh quân khác của SAA vẫn tỏ ra đuối sức trong những cuộc đấu tay đôi với nhóm phiến quân.

Hiện Nga đã triển khai một số đơn vị đặc nhiệm tới chiến trường Syria, nhưng vai trò chủ đạo vẫn là lực lượng không quân đang đóng tại căn cứ Hmeymim.

Lực lượng này vẫn đang triển khai đều đặn các cuộc không kích nhằm vào đối thủ. Thực ra không quân Nga ngoài việc hỗ trợ quân đội Syria, họ vẫn muốn nhân sự kiện này để khẳng định vị thế, thoát khỏi cái bóng của không quân Liên Xô hùng mạnh ngày nào.

Sự trở lại đầy mạnh mẽ của không quân Nga tại Trung Đông diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang thực hiện chính sách xoay trục và dự định chuyển hầu hết các nguồn lực của mình tại khu vực sang châu Á.

Chính sách xoay trục này đã mở đường cho các nước khác- trong đó đáng chú ý nhất là Nga- lấp đầy khoảng trống quyền lực mà Mỹ đã nắm giữ trong hàng thập kỷ qua tại Trung Đông.

Với việc được sử dụng căn cứ Không quân của Iran, Nga giờ đã có thể điều các máy bay chiến lược của mình hoạt động trên khắp khu vực Vịnh Ba Tư, ông Gvosdev, một chuyên gia về Nga tại Học viện Hải quân Mỹ nhận định: “Đó không còn là khu vực hoạt động của riêng Mỹ nữa”.

Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, những gì mà Nga đạt được tại Syria không hoàn toàn đơn giản. Trên thực tế, cái giá mà Nga phải trả còn đắt hơn nhiều.

“Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga không thể rút quân hoàn toàn khỏi Syria?”, ông Paul Stronski chuyên gia nghiên cứu tại Chương trình Nga và Á-Âu tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Thế giới có trụ sở tại Washington đặt câu hỏi.

“Nếu họ không thể rút lui mà vẫn phải hiện diện tại Syria để bảo vệ những gì mà họ đã đạt được thì đến một lúc nào đó Nga cũng sẽ bị sa lầy”, ông Stronski nói thêm và khẳng định, điều này hoàn toàn có thể xảy ra.

Cuộc chiến tại Syria cũng gây cho Nga những thiệt hại không nhỏ.

Ngoài những phi công của chiếc tiêm kích Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, phi công Su-25 bị nhóm phiến binh thánh chiến bắn rơi, và một loại trực thăng tấn công bị bắn hạ và bị rơi do tai nạn khiến Nga thiệt hại hàng chục phi công tài ba.

Chưa dừng lại ở đó, một nhóm chuyên gia quân sự với rất nhiều sĩ quan và chuyên viên tới để huấn luyện cho quân đội Syria cũng bị tử nạn trong vụ máy bay An-26 bị rơi.

Có nguồn tin cho rằng máy bay bị phiến quân bắn hạ, tuy Nga cho rằng đó là lỗi kỹ thuật, nhưng dù sao máy bay rơi bốc cháy đã cướp đi sinh mệnh của 39 người con ưu tú của nước Nga.

Tổng thống Putin đã không định rõ ngày rút quân khỏi Syria khi tuyên bố chiến thắng IS cuối năm 2017, và hoạt động hiện nay của quân Nga trên chiến trường không thể hiện rằng Nga sẽ không thể rút quân trong vòng một vài năm tới.

Nếu có, Nga giờ đây phải chứng minh được là nước này có thể kết thúc nhanh chóng việc giải phóng Đông Ghouta.

Thực tế khu tử địa này vẫn đứng vững dù chiến dịch của liên quân Nga-Syria đã diễn ra hơn một tháng.

Ngoài không kích, Nga còn bắn tên lửa hành trình Kalibr vào những khu vực của phiến binh thánh chiến.

Việc giải phóng được tử địa Đông Ghouta vẫn là dấu hỏi lớn hiện nay đối với Nga và Syria khi mà các loại vũ khí mạnh vẫn được tuồn từ ngoài vào cho các nhóm phiến binh đang tử chiến trong nội đô.

Câu hỏi giờ đây là tương lai của Syria sẽ ra sao? Nga đã cố đưa ra một giải pháp ngoại giao giúp giữ vững nguyên trạng. Moscow dù muốn hết mình với chính quyền Assad, nhưng do cuộc chiến kéo dài, mức chiến phí tăng trong khi kinh tế Nga chưa có dấu hiệu phục hồi.

mặt khác cuộc bầu cử Tổng thống Nga đang diễn ra, dù muốn dù không ông Putin cũng phải trấn an dư luận trong nước bằng việc không triển khai một lực lượng lớn tới Syria. Vào lúc này, không bên nào tranh giành ảnh hưởng ở Syria có thể chiếm thế thượng phong. 

Vấn đề với Nga lúc này là không ai, trừ người Kurd ở Syria hứng thú với việc duy trì nguyên hiện trạng.

Về phần mình, Tổng thống Assad cũng muốn đất nước quay trở về tầm kiểm soát mà không cần quỵ lụy bất kỳ nước nào, và điều này có nghĩa là phải giữ Nga ở lại Syria để giúp đỡ chế độ này chiếm lại lãnh thổ.

Cuộc chiến khởi phát năm 2011 chỉ là một cuộc nội chiến. Cuộc chiến đó đã tạm nghỉ khi IS trỗi dậy trên biên giới lãnh thổ Syria và Iraq, giữa lúc đang hỗn loạn nhất. Khi IS không còn, cuộc nội chiến lại tiếp diễn.

Nga và chính phủ của tổng thống Assad đã khiến thế giới tin rằng điều duy nhất phải làm là dọn sạch một số nhóm phiến quân thánh chiến. 

Iran lại khiến thế giới tin rằng mối đe dọa nghiêm trọng hơn nhiều, nhằm biện minh cho sự hiện diện ngày càng lớn của Iran.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang hy vọng nước này có thể đưa người Kurd ở Syria quay trở lại khu vực trước đây, trong khi thay thế chế độ Assad bằng một nhà nước dòng Sunni (quân đội Syria tự do) có lợi cho lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Mỗi nước đang sử dụng cuộc chiến ủy thác của mình để thực hiện mục đích và mỗi nước lại xoay tình thế theo hướng phản ánh chiến thắng về phía mình.

Tuy nhiên chiến thắng chỉ lướt qua vùng đất này. Khi IS bị đánh bại, sẽ có những nhóm phiến quân khác nổi lên, sẽ ra sao nếu một trong các căn cứ chính của Nga ở khu vực lại bị tập kích? 

Rõ ràng Nga có nhiều việc phải làm hơn. Và đây sẽ không thành vấn đề nếu như Nga không cố dùng việc can thiệp vào Syria để thể hiện cho sức mạnh của mình trong khu vực và trên thế giới.

Nhưng Nga đã cố biến cuộc can thiệp ở Syria thành cuộc chơi để Nga thể hiện sức mạnh, và điều này đã khiến cuộc tấn công vào căn cứ Hmeimim thành điều khiến Nga lo lắng, dù máy bay nước này có phải chịu nhiều thiệt hại hay không.

Nga đã đưa quân vào Syria khi nền kinh tế đang gặp khó khăn do giá dầu thấp hơn kỳ vọng và khi uy tín của ông Putin đang gặp nhiều trở ngại sau vấn đề Ukraine vào năm 2014. 

Do đó chính phủ Nga cần đạt được một chiến thắng ở Syria. 

Càng ít khả năng thắng thì cuộc can thiệp này lại càng khó kết thúc.

Một viễn cảnh như Liên Xô sa lầy tại Afghanistan sẽ là điều mà Nga không hề mong muốn nó sẽ lặp lại tại Syria.

Vì vậy giới quan sát cho rằng, sau cuộc bầu cử Tổng thống Nga, ông Putin (gần như chắc chắn sẽ thắng cử) sẽ tái điều động một lực lượng mạnh mẽ đủ để thay đổi cục diện chiến trường.

Nga đã mất quá nhiều vào canh bạc tại Syria, vì vậy họ sẽ không dễ dàng bỏ cuộc.

Hành động bắn tên lửa Kalibr và điều động chiến hạm săn ngầm tới gần Syria cho thấy thông điệp cứng rắn của Nga. Trong thời điểm hiện tại, cuộc chiến vẫn dậm chân tại chỗ, Nga cố gắng duy trì các cuộc không kích để tạo lợi thế cầm cự cho quân chính phủ Syria. 

Một khi cuộc bầu cử tổng thống Nga kết thúc, Nga sẽ có những bước đi chiến lược trong đó việc có thể Nga sẽ triển khai một lượng lớn khí tài tới Syria nhằm tạo lợi thế quyết định, tránh một sự sa lầy có thể xảy ra.