[ẢNH] Trung Quốc "nhảy dựng" khi Mỹ quyết bán 66 chiến đấu cơ cho Đài Loan

ANTD.VN - Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt hợp đồng bán tiêm kích trị giá 8 tỷ USD cho Đài Loan hôm qua 20-8, động thái này khiến Trung Quốc cực lực phản đối.

Theo hợp đồng vừa được Mỹ thông qua, Đài Loan (TQ) sẽ nhận được 66 tiêm kích F-16 và 75 động cơ do tập đoàn General Electric sản xuất, cùng các hệ thống khác. 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết quyết định này "rất phù hợp với những thỏa thuận và mối quan hệ lịch sử" giữa Washington và Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 18-8 cũng xác nhận ông đã phê duyệt thương vụ bán 66 tiêm kích F-16V hiện đại nhất thế giới cho Đài Loan, nói thêm rằng hợp đồng vẫn cần được quốc hội Mỹ thông qua trước khi có hiệu lực. 

Các nghị sĩ của đảng Cộng hòa và Dân chủ trước đó tỏ ý ủng hộ hợp đồng trên. 

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ, đơn vị giám sát việc bán vũ khí cho nước ngoài, khẳng định việc Đài Loan mua lô tiêm kích F-16 "sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự cơ bản trong khu vực".

Việc Đài Bắc tiếp nhận 66 chiến đấu cơ này chỉ nhằm củng cố khả năng bảo vệ không phận, an ninh khu vực và tương tác với Mỹ của hòn đảo. 

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc  hôm 19-8 cáo buộc hợp đồng bán tiêm kích cho Đài Loan của Mỹ vi phạm các thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh, đồng thời "gây ra sự can thiệp nghiêm trọng vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc". 

Ông kêu gọi Mỹ nên ngay lập tức hủy hợp đồng và ngừng bán vũ khí cho Đài Loan nếu không muốn "gánh chịu mọi hậu quả". Tuy nhiên dường như lần này có vẻ Washington sẽ không nhượn bộ.

Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và sẵn sàng dùng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết. Dù công nhận chính sách "một Trung Quốc", Mỹ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao và bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng thường không cung cấp những khí tài hiện đại nhất để tránh gây căng thẳng với Trung Quốc.

F-16V được cho là ưu việt hơn đáng kể so với các thế hệ F-16 cũ, kể cả biến thể F-16E/F Block 60 Desert Falcon thiết kế riêng cho Không quân Hoàng gia Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, đây là phiên bản mạnh nhất trước khi F-16V ra đời.

Công nghệ cốt lõi mang lại sức mạnh cho Viper nằm ở radar mảng pha quét chủ động (AESA) AN/APG-83.

Radar này có độ tin cậy cao hơn nhiều, đi kèm tầm hoạt động xa gấp 2 lần con số 296 km của AN/APG-68 của F-16C/D Block 60.

Ngoài ra, các chùm tia điện tử được truyền đi trên nhiều tần số khác nhau sẽ khiến đối phương rất khó phát hiện cũng như thực hiện biện pháp gây nhiễu, giúp máy bay có thể bí mật tung đòn tấn công ở cự ly an toàn.

Ngoài khả năng mang tất cả các loại tên lửa, bom tiên tiến nhất, F-16V Viper còn được bổ sung pod ngắm bắn Sniper, nó sẽ tự động phát hiện, theo dõi mục tiêu cũng như cung cấp tọa độ GPS để dẫn đường cho vũ khí tấn công ngoài tầm phòng không điểm.

Ngoài ra, những chiếc F-16 Viper của Đài Loan còn có thêm một tính năng đáng lưu tâm khác, đó là nó được nâng cao khả năng tàng hình nhờ lớp phủ radar HAVE GLASS II (RAM).

Đây là một công nghệ cao cấp chỉ được Mỹ chia sẻ cho một vài đồng minh thân thiết, máy bay với lớp phủ HAVE GLASS II sẽ giảm được diện tích phản xạ radar đi 20 - 30%, kết hợp cùng radar AESA khiến nó thấy trước và bắn trước kẻ thù.

Với năng lực tác chiến vượt trội, F-16V Viper được coi là đối thủ xứng tầm với những chiến đấu cơ Su-35 mạnh nhất mà Trung Quốc mới mua từ Nga.