[ẢNH] Trung Quốc lo ngại khi Nhật Bản chính thức có tàu sân bay đầu tiên từ sau thế chiến

ANTD.VN - Thông qua việc mua sắm tiêm kích tàng hình cất hạ cánh thẳng đứng F-35B để trang bị cho khu trục hạm mang trực thăng lớp Izumo, Hải quân Nhật Bản sắp chính thức sở hữu những biên đội tác chiến tàu sân bay cực mạnh.

Truyền thông Nhật Bản mới đây đã đăng tải thông tin cho biết, chính phủ nước này đã quyết định đặt hàng Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chế tạo 40 tiêm kích tàng hình F-35B Lightning II.

Những chiến đấu cơ thế hệ 5 có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng này trước tiên sẽ được trang bị cho "khu trục hạm mang trực thăng" lớp Izumo (DDH-183), tiếp đó nhiều khả năng sẽ bao gồm cả lớp Hyuga (DDH-181).

Như vậy đúng như những dự đoán về mục đích thực sự của Hải quân Nhật Bản khi đóng những chiến hạm cỡ lớn với "nhãn dán" chỉ là tàu khu trục, chúng giờ đây đã "lột xác" thành tàu sân bay.

Thực chất xét về lượng giãn nước cũng như khoảng không gian rộng của sàn cất hạ cánh dành cho trực thăng, các tàu chiến này của Nhật Bản còn lớn hơn nhiều hàng không mẫu hạm cỡ nhỏ và cỡ trung khác.

Với biên đội 2 tàu DDH-181 lớp Hyuga cùng 2 chiếc DDH-183 lớp Izumo, sau khi nhận đủ 40 tiêm kích F-35B thì Nhật Bản sẽ có ngay trong tay 4 biên đội tác chiến tàu sân bay cực mạnh.

Căn cứ số lượng F-35B trong đợt đặt hàng đầu tiên, theo ước tính thì Hải quân Nhật Bản sẽ phân bổ cho mỗi tàu lớp Izumo 12 máy bay chiến đấu loại này, trong khi ở lớp Hyuga là 8 chiếc.

Tuy nhiên ngay lúc này đã có ý kiến cho rằng khi bước vào giai đoạn tiếp theo, Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi sẽ được phép lắp ráp F-35B theo giấy phép mà Lockheed Martin cung cấp.

Hợp đồng chuyển giao công nghệ được dự báo sẽ không có trở ngại nào đáng kể khi trình độ khoa học kỹ thuật của Nhật là rất cao, ngoài ra họ đã có trong tay giấy phép tự chế tạo phiên bản F-35A.

Trong tương lai, dự báo số lượng tiêm kích F-35B mà mỗi tàu sân bay lớp Izumo cùng Hyuga mang được có thể lên tới con số lần lượt là 20 và 12 chiếc.

Đó là chưa kể tiêm kích F-35B còn có khả năng hoạt động trên những tàu đổ bộ tấn công có diện tích sàn đáp trực thăng đủ rộng, ví dụ như lớp Osumi.

Nắm trong tay tới 4 biên đội tác chiến tàu sân bay, Hải quân Nhật Bản mặc dù đi sau Trung Quốc nhưng vẫn kịp tạo ra sức mạnh răn đe vô cùng đáng kể.

Hiện tại Trung Quốc mới có trong tay 2 tàu sân bay là chiếc CV-16 Liêu Ninh và CV-17, chiếc hàng không mẫu hạm Type 003 dự báo còn rất lâu nữa mới thành hình.

Loại tiêm kích hạm chủ lực trên tàu sân bay Trung Quốc là chiếc J-15 Flying Shark bị đánh giá thua xa F-35B Lightning II ở mọi tính năng kỹ chiến thuật cơ bản.

Nếu xảy ra trận đối đầu trên biển, Hải quân Nhật Bản sẽ có ưu thế cực lớn trước đối thủ của mình, ít nhất là cho tới khi Trung Quốc đưa được chiếc J-31 lên tàu sân bay.

Diễn biến trên chắc chắn đang khiến giới chức quốc phòng Trung Quốc cảm thấy vừa bực tức vừa lo ngại, khi họ đã vô tình đánh thức một người khổng lồ đã ngủ yên hơn 70 năm qua.