[ẢNH] Trung Quốc "bẻ khóa" thành công hệ thống điều khiển hỏa lực trên tiêm kích Nga

ANTD.VN - Một bức ảnh chụp tiêm kích đa năng Su-30MKK của Không quân Trung Quốc mang được tên lửa không đối không nội địa PL-12 cùng PL-9 cho thấy phần mềm điều khiển bắn của máy bay đã bị "bẻ khóa".

Hiện nay Không quân và Không quân Hải quân Trung Quốc đang duy trì riêng hai hệ vũ khí dành cho các tiêm kích tự sản xuất trong nước và mua sắm từ Nga.

Đối với các chiến đấu cơ nội địa thì Trung Quốc trang bị cho chúng những loại tên lửa không đối không họ PL và tên lửa không đối đất - đối hạm họ YJ nội địa.

Còn đối với tiêm kích Nga bao gồm Su-27SK, Su-30MKK, Su-30MK2 và mới nhất là Su-35S thì vẫn phải sử dụng tên lửa không đối không và không đối đất mua kèm máy bay.

Sở dĩ có điều này là do Nga đã mã hóa phần mềm điều khiển vũ khí của radar kiểm soát hỏa lực, trong đó quy định rõ máy bay chỉ mang được những loại tên lửa nào và ở vị trí cụ thể nào.

Sở dĩ Nga tiến hành thao tác trên vì họ muốn khách hàng luôn phải phụ thuộc vào nguồn tên lửa do mình cung cấp mà trong một số trường hợp thì vũ khí đi kèm có giá trị không hề thua kém đơn giá máy bay.

Nhưng đối với một cường quốc quân sự như Trung Quốc thì dĩ nhiên họ sẽ không khoanh tay để chịu sự ràng buộc và chi phối của người Nga.

Với nền tảng khoa học công nghệ đáng nể của mình, nhất là trong lĩnh vực máy tính và điện tử hàng không thì dự báo Trung Quốc sẽ chẳng gặp quá nhiều khó khăn khi "bẻ khóa" phần mềm điều khiển của máy bay Nga.

Và đúng như nhận xét, mới đây báo chí Trung Quốc đã đăng tải hình ảnh chiếc tiêm kích đa năng Su-30MKK thực hiện chuyến bay tác chiến với tên lửa không đối không PL-12 cùng PL-9 treo trên cánh.

Điều đó cho thấy Trung Quốc đã vô hiệu hóa hoàn toàn những đoạn mã nguồn mà Nga cài đặt trên máy bay chiến đấu của mình trước khi xuất khẩu nhằm ngăn khách hàng tích hợp vũ khí khác hệ lên.

Ngoài ra với hành động trên, Trung Quốc còn chứng minh rằng tiêm kích Nga bán cho họ giờ đây đã hoàn toàn nằm ngoài vòng kiểm soát của Moskva

Sau khi thử nghiệm thành công việc tích hợp vũ khí nội địa trên chiếc Su-30MKK nói trên, chắc chắn Trung Quốc sẽ tiến hành đối với toàn bộ phi đội Su-27SK, Su-30MK thậm chí cả Su-35SK mới tiếp nhận.

Giờ đây các đối thủ tiềm tàng của họ sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn nếu xảy ra trường hợp không chiến, bởi vì vũ khí mà máy bay Trung Quốc sử dụng không còn chỉ là tên lửa R-77, R-27 hay R-73 quen thuộc nữa.

Mặc dù vậy vẫn phải nhắc lại trường hợp của Israel, đó là quốc gia Do Thái này từng thực hiện hợp đồng nâng cấp trực thăng Mi-24 cho Ấn Độ để mang các loại vũ khí khác hệ.

Công việc thực hiện trên máy tính đã cho kết quả tốt, thậm chí bắn thử nghiệm trên thao trường cũng rất khả quan nhưng bước vào thực chiến thì lại phát sinh rất nhiều lỗi kỹ thuật nghiêm trọng khiến đạn mất mục tiêu hoặc tệ hơn nữa là chẳng thể rời bệ phóng.

Do vậy sẽ cần thêm thời gian để đánh giá xem có thật sự Trung Quốc đã "bẻ khóa" thành công phần mềm điều khiển vũ khí trên những máy bay chiến đấu mà Nga đã xuất khẩu cho họ hay chưa.