[ẢNH] Triều Tiên bất ngờ lộ việc sở hữu dòng chiến đấu cơ hiện đại hàng đầu Trung Quốc?

ANTD.VN -  Kênh truyền hình nhà nước Triều Tiên KCTV bất ngờ chiếu cảnh tiêm kích J-10B đang hạ cánh trên đường giao thông trong nội đô Bình Nhưỡng trong một cuộc diễn tập, đây là thông tin gây bất ngờ cho giới quan sát.
Việc không quân Triều Tiên được cho là sở hữu chiến đấu cơ hiện đại J-10B do Trung Quốc sản xuất đang gây ra những tranh luận trái chiều. Một số ý kiến cho rằng Bình Nhưỡng đã kịp mua chúng trước khi lệnh cấm vận vũ khí tăng cường của Liên Hiệp Quốc có hiệu lực, trong khi ý kiến khác lại cho rằng có thể không quân Trung Quốc mang loại máy bay này sang đây diễn tập chung.
Hình ảnh tiêm kích hiện đại J-10B hạ cánh trong cuộc diễn tập tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Từ năm 2006, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua nghị quyết số 1718 nhằm phản ứng với hành động của Bình Nhưỡng và áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với quốc gia này. Từ đó cho tới nay, HĐBA LHQ đã thông qua một số nghị quyết nhằm tăng cường trừng phạt trong đó có lệnh cấm vận vũ khí đối với quốc gia Đông Bắc Á này sau những vụ thử tiếp theo.

Cả Triều Tiên và Trung Quốc chưa lên tiếng chính thức về sự kiện tiêm kích J-10B xuất hiện tại thủ đô Bình Nhưỡng.
Nếu Triều Tiên sở hữu chiến đấu cơ J-10B, năng lực tác chiến của không quân nước này tăng lên đáng kể.
Máy bay J-10 là nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc nhằm phát triển tiêm kích thế hệ 4 nhằm đối trọng với các máy bay F-15C Eagle và F-16 Falcon của Mỹ, máy bay Su 27 Flanker và MiG 29 Fulcrum của Liên Xô và sau này là Nga.
Lúc đầu, ý tưởng của nhà thiết kế là tạo ra một tiêm kích thuần túy nhằm mục tiêu chiếm ưu thế trên không, khi việc phát triển J-10 bắt đầu từ năm 1988, nhằm đối đầu trực tiếp với Su-27 và MiG 29. Nhưng tới năm 1991, sự sụp đổ của Liên Xô đã khiến dự án có thay đổi.
J-10 được định hướng để trở thành một chiến đấu cơ đa nhiệm, bù đắp cho phi đội của PLAAF, vốn đang gia tăng số lượng các biến thể của dòng Su-27 Flanker, có xuất xứ từ Nga, quốc gia đối trọng với Trung Quốc lúc đó đang rất cần tiền.
J-10 có chiều dài 15,49m, cao 5,43m, sải cánh 9,75m, trọng lượng cất cánh tối đa 19,2 tấn. Máy bay được chế tạo chủ yếu bằng vật liệu hợp kim nhôm và vật liệu composite nhằm tăng sức bền và trọng lượng nhẹ hơn.

Thiết kế khí động học của máy bay theo kiểu cánh tam giác liền đuôi với cặp cánh nhỏ ở mũi. Với thiết kế này, máy bay “lược bỏ” cánh đuôi ngang, thay vào đó chỉ còn tồn tại cánh đuôi đứng ở trên thân và 2 cánh nhỏ dưới phần thân đuôi máy bay cung cấp sự ổn định cho máy bay.

Kiểu thiết kế cánh mũi đem lại sự linh hoạt cao hơn và tốc độ lớn hơn cho máy bay. Hiện nay, ngoài J-10 thì một số tiêm kích thế hệ thứ 4 trên thế giới cũng thiết kế cánh mũi như Eurofighter Typhoon (châu Âu), Dassault Rafale (Pháp), JAS-39 Gripen (Thụy Điển), Su-30MKI (Nga).
Cửa hút không khí cho động cơ hoạt động có hình chữ nhật nằm dưới bụng máy bay, nó được gia cố với phần thân bằng 6 thanh kim loại nhỏ. Thiết kế này tạo ra khoảng trống lớn giữa cửa hút khi và phần thân trước khiến máy bay dễ mất ổn định khi bay tốc độ cao.
Buồng lái phi công nằm ở ngay trên của hút không khí và phía trước cánh mũi. Nắp buồng lái theo kiểu phồng bọt đôi giúp phi công quan sát toàn cảnh, một điểm quan trọng trong chiến đấu không đối không.
Bên trong buồng lái lắp 3 màn hình tinh thể lỏng cho phép phi công xem dữ liệu bay, tình trạng vũ khí, thông tin mục tiêu. Ở trước mặt phi công lắp một màn hình HUD hiển thị dữ liệu bay và thông tin mục tiêu. Phi công có thể được trang bị thêm hệ thống hiển thị mục tiêu gắn trên mũ bay cho phép phản ứng nhanh trong không chiến.
J-10 trang bị một loại radar có khả năng theo dõi 10 mục tiêu và dẫn tên lửa đối không tiêu diệt 2-4 mục tiêu cùng lúc.
J-10 trang bị động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy AL-31FN (Nga) cho phép đạt tốc độ tối đa gấp 2 lần vận tốc âm thanh ở trần bay cao, bán kính tác chiến 550km, trần bay 18.000m.

Hiện, Trung Quốc đang nỗ lực phát triển và hoàn thiện động cơ tuốc bin phản lực WS-10 để trang bị cho J-10 nhằm giảm phụ thuộc vào Nga về động cơ – “nút thắt” của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.

J-10 trang bị một pháo 2 nòng cỡ 23mm nằm phía phải bộ phận càng bánh đáp trước. Pháo nặng 50,5kg, dài 1,53m, tốc độ bắn 3.000-3.400 phát/phút. Đây là vũ khí hữu dụng để tấn công mục tiêu cự ly gần, ở tầm tên lửa khó phát huy hiệu quả cao nhất.

Trên cánh và thân máy bay có 11 giá treo (6 trên cánh, 5 dưới thân) mang được 6 tấn vũ khí các loại dành cho nhiệm vụ không đối không và không đối đất:

Trong nhiệm vụ đối không chiến đấu ở cự ly gần J-10 mang được: 4 tên lửa đối không tầm trung PL-11/12, 2 tên lửa đối không tầm ngắn PL-8 và một thùng dầu phụ 800 lít.

Trong nhiệm vụ đối không chiến đấu ở cự ly xa J-10 mang được: 2 tên lửa tầm trung PL-11/12, 2 tên lửa tầm ngắn PL-8, 2 thùng dầu phụ 1.600 lít và một thùng 800 lít.

Trong nhiệm vụ tấn công mặt đất thì J-10 mang được: 2 tên lửa tầm ngắn PL-8, 6 bom 250kg (hoặc 2 bom 500kg), 2 thùng dầu phụ 1.600 lít và 1 thùng dầu loại 800 lít. J-10 có khả năng mang tên lửa không đối hạm YJ-9K, tên lửa chống radar PJ-9, bom hàng không có điều khiển.

J-10 được phát triển với ba phiên bản A, B và C, J-10A là phiên bản đời đầu vẫn tồn tại một số nhược điểm như cửa hút gió gắn bằng cách thanh xương khiến nó bị rung lắc mạnh khi tăng tốc.

So với phiên bản J-10A trước đây thì J-10B được thiết kế lại cửa hút gió mới kèm theo hệ thống rada tiên tiến vượt trội hoàn toàn cùng hệ thống phần mềm điều khiển tiến tiến.

J-10C được coi là phiên bản hiện đại và mạnh mẽ nhất với việc trang bị động cơ điều khiển lực đẩy và radar mảng pha chủ động. Hiện phiên bản này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Tiêm kích J-10C về cơ bản được phát triển trên cơ sở mẫu J-10B với cửa hút không khí cửa hút khí khuếch tán siêu âm (DSI) khắc phục điểm yếu lớn trên bản J-10A, cho phép máy bay hoạt động ổn định ở tốc độ cao dù nó đòi hỏi người ta cần có phần mềm điều khiển bay hiện đại.

Hiện tổng số lượng tiêm kích J-10 được sản xuất đã lên tới con số hơn 500 chiếc, hiện Trung Quốc vẫn đang tích cực chế tạo dòng tiêm kích này để phục vụ trong nước và xuất khẩu.