[ẢNH] Top 5 loài động vật có thói quen ngủ kì lạ nhất hành tinh

ANTD.VN - Trong thế giới tự nhiên, nhiều loài động vật có thói quen ngủ kỳ lạ, độc đáo khiến chúng ta phải bất ngờ như loài rái cá biển ngủ thường "tay trong tay", ếch gỗ ngủ đông tim sẽ ngừng đập, cá heo lại chỉ ngủ với nửa bán cầu não...
 Liệu có bao giờ bạn thắc mắc những chú hươu cao cổ với bốn chân "dài miên man" và cái cổ dài ngoằng sẽ có tư thế ngủ như nào không? 

Câu trả lời là hươu cao cổ có thể ngủ ở 2 tư thế là đừng hoặc nằm. Để ngủ ở tư thế nằm, chúng sẽ thu chân xuống dưới cơ thể và đặt đầu lên lưng để ngủ 

Tuy nhiên, thân hình nổi bật dễ thu hút các con thú săn mồi nên hươu cao cổ cần ở trong tư thế sẵn sàng chạy bất cứ lúc nào. Do đó khi ngủ, đa phần chúng sẽ chọn ngủ đứng thay vì tư thế ngủ nằm vốn không thuận tiện cho việc đứng lên nhanh chóng

Ngoài ra, hươu cao cổ là loài động vật có vú ngủ ít nhất, trung bình chỉ nửa tiếng mỗi ngày. Mỗi lần ngủ cũng chỉ chợp mắt vài phút. Khi đó, chúng rơi vào trạng thái nửa thức nửa ngủ để đề phòng những nguy hiểm ngoài tự nhiên. Còn trong môi trường nuôi nhốt thì hươu cao cổ có thể ngủ từ 4-5 tiếng mỗi ngày 

Dơi nổi tiếng với tư thế ngủ độc đáo là treo ngược mình lên, đầu hướng xuống phía dưới, dùng vuốt của hai chi sau móc vào khe hở của vách đá, tường...  

 Nguyên nhân là đôi cánh da của dơi không đủ lực để có thể dễ dàng nâng chúng từ mặt đất lên không trung như chim hoặc côn trùng. Việc treo ngược cơ thể trên cao để ngủ hoặc nghỉ ngơi sẽ giúp dơi khi cần bay lượn chỉ cần thả mình xuống, lợi dụng lực cản không khí để hỗ trợ cho việc cất cánh 

Ngoài ra, khi mùa đông đến, dơi cũng có tư thế treo ngược mình lên để ngủ đông, như vậy có thể giảm bớt được sự tiếp xúc với đỉnh hang lạnh giá

Việc treo ngược cơ thể lên cao để ngủ hoặc nghỉ ngơi cũng giúp dơi tránh được sự tấn công của kẻ thù trong tự nhiên

Dơi có thể treo ngược trong thời gian dài, bao gồm cả trong thời gian ngủ đông và thậm chí sau khi chết. Một số loài dơi có thể ngủ đông từ năm đến 6 tháng và sống sót thông qua một lượng mỡ nhỏ mà cơ thể dự trữ

Loài ếch gỗ sinh sống ở phạm vi Bắc Mỹ cho đến vòng Bắc Cực cũng có tập tính ngủ đông. Tuy nhiên, thói quen ngủ đông của chúng khác biệt rất lớn với các sinh vật khác, thậm chí có thể coi là "độc nhất vô nhị" trong thế giới tự nhiên 

Cụ thể, khi bắt đầu cảm nhận thấy cái lạnh của mùa đông, ếch gỗ sẽ chuyển sang trạng thái ngủ đông đặc biệt bằng việc ngừng mọi chức năng sống, từ nhịp đập của tim cho đến hoạt động não, giống như việc nó đang tự đóng băng toàn cơ thể. Trong suốt quá trình này, tinh thể băng thậm chí còn có thể mọc lên từ con ếch

Khi thời tiết ấm dần lên, cơ thể ếch gỗ sẽ được rã đông, mọi chức năng sống được khôi phục và chúng có thể quay trở lại cuộc sống bình thường. Theo ghi nhận, ếch gỗ có thể tồn tại trong tình trạng đóng băng suốt 8 tháng trời và sống lại mà không gặp chút tổn thương nào

Lý giải cho khả năng đặc biệt này, các nhà khoa học chỉ ra, trong mô của ếch gỗ có nồng độ cao chất bảo quản lạnh. Ngoài ra, gan của chúng có khả năng phân ly hợp chất glycogen thành glucose (đường) và bơm thẳng vào mạch máu. Đường trong máu giúp ổn định tế bào và ngăn tình trạng mất nước, giúp chúng sống sót qua thời kỳ giá rét trong trạng thái đóng băng (Ảnh: National Geographic)

Rái cá biển sinh sống chủ yếu dọc bờ biển Thái Bình Dương của Bắc Mỹ. Loài vật này không chỉ có vẻ ngoài đáng yêu mà còn khiến con tim ta "tan chảy" bởi thói quen ngủ "tay trong tay"  

Hành động lãng mạn này vốn xuất phát từ việc rái cá biển có đặc tính ngủ ngay trên nước trong tư thế nằm ngửa, điều này khiến chúng dễ bị sóng cuốn đi  

Do đó, để tránh việc "thức dậy ở một nơi xa", sẽ có hàng chục con rái cá nắm tay nhau khi ngủ, kết thành một chiếc "bè" vững chãi cố định trên mặt nước

Trong trường hợp ngủ một mình, rái cá biển sẽ dùng rong biển quấn quanh cơ thể để không bị sóng đánh đi

Cá heo có thói quen ngủ vô cùng đặc biệt, chúng chỉ ngủ với nửa bán cầu não và một bên mắt. Đây gọi là "giấc ngủ nửa bán cầu não sóng chậm"

Cụ thể, khi ngủ, một nửa bán cầu não của cá heo sẽ ngưng hoạt động và chúng sẽ nhắm 1 mắt phía đối diện. Ví dụ, nếu bán cầu não trái ngưng hoạt động thì cá heo sẽ nhắm mắt phải. Mắt và nửa bán cầu não còn lại vẫn hoạt động bình thường 

Có 3 lý do được các nhà khoa học đưa ra để giải thích cho khả năng ngủ đặc biệt của cá heo. Thứ nhất, khác với các loài cá có mang, cá heo là động vật có vú và phải thường xuyên ngoi lên mặt nước để thở. Nếu cá heo ngủ và rơi vào trạng thái vô thức như con người thì chúng hoàn toàn có khả năng bị chết đuối. Do đó, việc để nửa bán cầu não nghỉ ngơi, nửa còn lại hoạt động sẽ giúp cá heo ngoi lên mặt nước để trao đổi không khí qua cái lỗ nằm ở dưới gáy 

Thứ hai, "giấc ngủ nửa bán cầu sóng chậm" giúp cá heo phát hiện được những mối nguy hiểm khác trong đại dương

Thứ ba, kiểu giấc ngủ này giúp cá heo duy trì các hoạt động sinh lý như việc cử động các cơ nhằm giúp duy trì nhiệt độ cơ thể trong nước biển lạnh giá