[ẢNH] Tổng thống Putin, từ người bị đánh giá thấp tới đối thủ khiến cả phương Tây đau đầu đối phó

ANTD.VN - Tổng thống Nga Vladimir Putin tái đắc cử nhiệm kỳ 4 với gần 77% số phiếu. Tỷ lệ cao hơn dự báo cho phép chủ nhân điện Kremlin tự tin hơn vào lúc quan hệ giữa Nga và phương Tây rơi vào khủng hoảng. Sau thời kỳ Liên Xô, ông Putin chính là đối thủ khiến phương Tây phải đau đầu tìm cách đối phó.

Không thể phủ nhận cuộc trỗi dậy đầy ngoạn ngục của Nga ở tất cả các mặt từ quân sự, chính trị đến kinh tế văn hóa. Nước Nga ngày nay không còn là bóng dáng của một Liên Xô hùng mạnh ngày nào, họ đã kế thừa với đầy đủ sức mạnh và uy thế của mình.

Sau thời kỳ kinh tế khủng hoảng kéo theo một quân đội tuy khí tài hùng hậu nhưng tinh thần chiến đấu rệu rã của Nga đã qua đi. Cuộc chiến tại Syria và việc thu hồi nhanh gọn bán đảo Crimea đã cho thấy một sức vóc lớn lao của Nga.

Hình ảnh một cuộc duyệt binh hoành tráng mới đây của quân đội Nga.

Sau thời gian dài trì trệ, nền công nghiệp quốc phòng Nga đã cho ra mắt những vũ khí mới với tính năng chiến đấu mạnh mẽ. 

Có được thành công này không thể không nói tới vai trò của Tổng thống Vladimir Putin.

Hình ảnh Tổng thống Putin trong cuộc viếng thăm tới chiến trường Syria để tuyên bố chiến thắng trước quân khủng bố IS.

Tổng thống Putin và Tổng thống Assad cùng dự cuộc duyệt binh của quân đội Nga tại căn cứ không quân Hmeymim, Syria.

Chiến thắng của ông Putin trong nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ 4 dù đã được báo trước nhưng vẫn không khỏi lo lắng cho phương Tây.

Trước khi ông Putin nổi lên là một đối thủ khó đoán định đối với phương Tây thì các nước này đã từng đánh giá thấp người mà cố Tổng thống Yeltsin tin tưởng gửi gắm.

Ngày cuối cùng của năm 1999, khi Tổng thống đầu tiên của nga là Boris Yeltsin xin từ chức và chuyển giao quyền lực vào tay Thủ tướng Vladimir Putin, ông nói: "Hãy gìn giữ nước Nga". Lãnh nhận trọng trách cùng lời ủy thác, ông Putin không những đã làm mà còn thực hiện nhiều hơn cả như thế.

Trên bình diện quốc tế, Nga âm thầm trỗi dậy nhằm khôi phục địa vị siêu cường. Trong nước, tỷ lệ ủng hộ của người dân với Tổng thống Putin luôn ở mức cao, dù Nga vẫn đang phải gồng mình cho các vấn đề nóng bỏng như cuộc chiến tại Syria, sự cấm vận kinh tế của phương Tây và tình hình căng thẳng tại Đông Ukraine.

Người dân Nga vẫn tin tưởng và đặt nhiều hy vọng vào Tổng thống Putin.

Chèo lái 145 triệu dân và một lãnh thổ rộng nhất thế giới từ 18 năm qua với tư cách khi là Tổng thống, lúc là Thủ tướng, cựu trung tá KGB Vladimir Putin vừa thực hiện một kỷ lục của bản thân trong một cuộc bầu cử tổng thống. 

Chiến thắng này là tín hiệu của "lòng tin tưởng và niềm hy vọng của dân tộc" - Tổng thống Putin nhận định như vậy.

Kế vị Tổng thống Yeltsin, người có tư tưởng mở cửa tiếp cận phương Tây, ông Putin từng được đánh giá là sẽ phải theo con đường mà ông Yeltsin đang đi trước đó.

Điều thú vị trong những năm đầu nắm quyền, Tổng thống Putin từng mong muốn có mối giao hảo sâu rộng hơn với phương Tây.

Thậm chí ông Putin từng đưa ra ý định cùng đứng chung đường với phương Tây trong một số tổ chức trọng yếu như NATO.

Ông Putin nhớ lại: “Tôi nhớ một trong những cuộc họp cuối cùng với cựu Tổng thống Clinton tại Moscow. Trong cuộc họp, tôi đã nói: 'Chúng ta nên xem xét ý tưởng để Nga gia nhập NATO'.

Được biết, ông Putin đưa ra đề nghị trên trong chuyến thăm chính thức cuối cùng của ông Clinton tới Nga vào mùa hè năm 2000, thời điểm ông Putin lên nắm quyền chưa đầy một năm.

Trong khi, ông Clinton đáp lại rằng, “đừng để ý đến việc đó”, phần lớn đoàn đại biểu Mỹ đã tỏ ra lo lắng rõ rệt. Tổng thống Putin sau đó cũng chỉ mỉm cười và nói sang vấn đề khác.

Rõ ràng mối quan hệ giữa Nga và phương Tây lúc đó rất tốt, phương Tây cũng không đánh giá ông Putin nói riêng và Nga nói chung là một đối thủ mạnh như Liên Xô trước đó. Chính điều này đã khiến họ trả giá trong thời điểm hiện tại.

Giải thích cho lời đề nghị gia nhập NATO, ông Putin cho rằng, NATO ngày nay đã thay đổi và bị sử dụng như một công cụ thực hiện các chính sách của Mỹ, bất kì nước nào gia nhập tổ chức này không thể chịu nổi áp lực từ Washington. Tổ chức này không còn độc lập và có thể mang lại lợi ích như trước kia.

Tiết lộ của ông Putin cho thấy đây không phải là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Liên Xô và Nga đề xuất gia nhập NATO.

Năm 1990, cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Sergeyevich Gorbachyov (bìa trái) từng đưa ra đề nghị tương tự, nhưng bị cựu Ngoại trưởng Mỹ James Baker bác bỏ. 

Trước đó, vào những năm 1950, chỉ vài năm sau khi thành lập NATO, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã gợi ý để Liên bang Xô viết trở thành thành viên của tổ chức này trong nỗ lực để duy trì hòa bình ở châu Âu.

Ngay trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine vào năm 2014 dường như Mỹ và phương Tây cũng đã đánh giá thấp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong “ván cờ Đông-Tây” tại Ukraine.

Trước đây, Mỹ và các đồng minh từng hy vọng sẽ thiết lập được mối quan hệ đối tác với Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Tuy nhiên, việc ông Putin sáp nhập Crimea vào Nga và có bài phát biểu chỉ trích trật tự thế giới thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh cho thấy người đang lãnh đạo Điện Kremlin là một đối thủ đáng gờm của Mỹ và các đồng minh.

Mỹ và các đối tác châu Âu đã phải đối mặt với những cáo buộc rằng họ đã bị Tổng thống Nga "qua mặt".

Khởi đầu từ cuộc chiến Syria, khủng hoảng Ukraina và nghi án Nga can thiệp làm thay đổi cục diện bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, xung khắc Đông-Tây trở thành nghiêm trọng hơn từ khi London tố cáo Mátxcơva đầu độc một cựu điệp viên Nga tị nạn tại Anh.

Giữ thái độ im lặng trong suốt hai tuần, từ ngày 4.3 khi xảy ra vụ mưu sát cựu điệp viên Sergey Skripal và con gái, cho đến chủ nhật 18-3, ngày bầu cử, Tổng thống Putin mới phản ứng. Ông chỉ trích chính phủ Anh "cáo buộc nhảm" nhưng hứa là "sẵn sàng hợp tác" với London để điều tra.

Phát ngôn viên ban vận động tranh cử của ông Putin tuyên bố "cám ơn Anh vì một lần nữa người Anh không hiểu tâm lý người Nga". Thượng nghị sĩ Alexei Puchkov đồng tình: "Công kích Putin chỉ gây tác dụng ngược tại Nga".

Theo tờ báo Bloomberg Mỹ thì “hiện tượng Putin” được lý giải là do các nhà lãnh đạo phương Tây bị ông Putin đưa vào một trò chơi không lối thoát. Đó là phải xoay quanh một vòng tròn tạo ra bởi mối quan hệ giữa Nga với phương Tây mà lợi ích tổng hòa của hai bên luôn bằng không, trong đó lợi ích của Moscow luôn được Putin tạo ra là số dương, còn phương Tây nắm giá trị âm đối nghịch.

Ông Putin không chấp nhận những gì không hay, không tốt cho người Nga, ông Putin chỉ hướng vào những gì tốt nhất cho nước Nga. Và vòng tròn khép kín của ông Putin là vòng tròn của giới tinh hoa tài phiệt.

Có thể thấy rằng việc Tổng thống Putin phá thế bao vây của các đối thủ là một chiến lược hoàn hảo, điều đó khiến cho giới lãnh phương Tây bị bất ngờ nên việc ra đòn với Moscow luôn mang tính bị động. 

Từ việc Mỹ và đồng minh cấm vận kinh tế Nga sau sự kiện Crimea đều là phản đòn chứ không phải ra đòn phủ đầu với Kremlin.

Tờ báo Bloomberg cho rằng nhà lãnh Nga đã sử dụng tư duy của một điệp viên KGB kỳ cựu trong việc xây dựng kế hoạch công – thủ cho nước Nga thời hậu Xô viết.

Lý do Washington và các đồng minh luôn việt vị trước hành động của Moscow trong các ván cờ là do bị bất ngờ bởi chiến thuật của Kremlin, mà cụ thể là không nhận diện được mục tiêu hành động của ông Putin.

Một hành động của đối phương mà nhận diện sai mục tiêu của hành động đó thì khó có thể xác định được tính chất của hành động, thậm chí còn có thể mắc bẫy đối phương trong trường hợp đối phương tung hoả mù, làm động tác giả. 

Do vậy, phương Tây luôn bị Moscow đưa vào thế đã rồi và chỉ còn cách dùng biện pháp trừng phạt để trả đũa đối phương.

Và để đối phó với Putin thì phương Tây phải tìm hiểu mục tiêu các hành động của người đứng đầu điện Kremlin. Bởi sự tồn tại cho sức mạnh chính là một mục tiêu rõ ràng và khi xác định được mục tiêu thì mới xác định được phương tiện đối phương sử dụng, cách thức đối phương hành động và từ đó mới xây dựng được kế hoạch đối phó hiệu quả.

Phương Tây đã quá vội vã trong nhận diện hành động của Putin được cho là thúc đẩy một cuộc chiến tranh lạnh mới, từ đó đã hoạch định chính sách đối phó sai lầm và khi được hiện thực hoá bằng hành động thì không những “cây không chặt được mà phá luôn cả rừng”. 

Do vậy, để đánh giá chuẩn xác hành động của Putin thì đầu tiên phải hiểu được mục tiêu của nhà lãnh đạo Nga qua từng hành động.

Tuy nhiên, để xác định và nhận diện được mục tiêu hành động của Putin không phải dễ dàng vì nhà lãnh đạo Nga đã đưa lãnh đạo phương Tây vào một trò chơi không lối thoát. Chỉ riêng việc Moscow liên tục tăng quân và rút quân tại chiến trường Syria cũng làm phương Tây đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Tổng thống Putin đã xác định việc làm gia tăng giá trị tài sản của Nga là ưu tiên trong các nước cờ chính trị của mình. 

Ông Putin được cho là sẽ lấy lại những gì nước Nga đã bị tước mất khi phải chịu lệnh cấm vận của phương Tây. Từ việc ủng hộ các lực lượng chính trị cánh hữu tại châu Âu đến việc thân thiện với tỷ phú Trump đều nhắm tới lợi ích kinh tế.

Với các lệnh cấm vận từ phương Tây, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, các chính sách hạn chế nhìn chung đều đặt dấu chấm hết cho các mối quan hệ quốc tế, dẫn đến việc đánh mất những cơ hội và gây tổn thất trực tiếp, kể cả cho chính những người khởi xướng ra các chính sách đó.

Tổng thống Vladimir Putin cho rằng các nước phương Tây “sẽ thấy mệt mỏi” về việc áp đặt biện pháp trừng phạt Nga, và mối quan hệ Moscow với phương Tây sẽ sớm trở lại bình thường. Và chung cuộc cuối cùng Nga vẫn đứng vững. Có thể nói rằng Tổng thống Putin cho đến lúc này vẫn là bài toán không hồi giải cho Mỹ và phương Tây.