[ẢNH] Tìm hiểu siêu máy bay chuyên tấn công hạt nhân của Pháp

ANTD.VN -  Rafale B được sửa đổi để mang theo tên lửa hạt nhân chiến thuật ASMP-A, chúng chính thức trở thành chiến đấu cơ chuyên tấn công hạt nhân của Pháp vào năm 2018.
Thành phần tấn công hạt nhân của Pháp gồm trên biển và trên không. Trên biển là các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân chiến lược M51, còn trên không là các chiến đấu cơ Rafale B được sửa đổi để mang tên lửa hạt nhân chiến thuật ASMP-A.
Trước đây nhiệm vụ tấn công hạt nhân chiến thuật được giao cho chiến đấu cơ Mirage 2000N, tuy nhiên chúng đã được cho loại biên vào năm 2018.
Rafale B là phiên bản 2 chỗ ngồi được sửa đổi lại cho phù hợp với nhiệm vụ chuyên tấn công hạt nhân chiến thuật.
Cụ thể chúng được gia cố khung thân để mang tên lửa hạt nhân ASMP-A, ngoài ra hệ thống điện tử cũng được tinh chỉnh cho phù hợp với nhiệm vụ.
Thông thường những chiếc Rafale B chỉ mang theo một tên lửa ASMP-A treo giữa thân máy bay. Pháp cũng đã tiến hành thử nghiệm cho phiên bản tiêm kích hạm Rafale M mang theo tên lửa ASMP-A.

Tuy vậy nhiệm vụ tấn công hạt nhân chiến thuật chủ yếu vẫn được trao cho phiên bản Rafale B vốn được bố trí hai phi công, vì thế cũng xử lý tốt hơn khi đưa ra đòn tấn công hạt nhân.

ASMP-A không phải là cái tên quá mới đối với Lực lượng vũ trang chiến lược Pháp (FAS), mẫu tên lửa tấn công hạt nhân này được công ty công nghệ hàng không vũ trụ Aérospatiale phát triển dành riêng cho Quân đội Pháp.
ASMP-A được đưa vào trang bị năm 2009 để thay thế cho phiên bản ASMP ra đời năm 1986. Loại tên lửa này có trọng lượng 860 kg, chiều dài 5,38m, đường kính 0,38 m.
Tên lửa trang bị đầu đạn nặng 200kg, có thể mang loại đầu đạn hạt nhân TN-80 hoặc TN-81.
Loại đầu đạn của tên lửa ASMP-A có đương lương nổ 300 kT, gấp 18,7 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima.
Tên lửa ASMP-A sử dụng động cơ nhiên liệu rắn cho vận tốc Mach 3 và tầm bắn lên tới 500 km.

Trong trường hợp các tên lửa đạn đạo hạt nhân liên lục địa M51 phóng đi từ tàu ngầm của Pháp không thể triển khai, bộ đôi Rafale B và ASMP-A sẽ là lựa chọn số một của Paris nhằm duy trì khả năng răn đe hạt nhân.

Tính tới đầu năm 2015, Pháp duy trì hơn 50 tên lửa ASMP-A trong biên chế chia đều cho các đơn vị không quân và không quân hải quân của nước này.

Trong khi đó Rafale đang được đánh giá là một trong số những chiến đấu cơ thế hệ thứ 4,5 tốt nhất hiện nay trên thế giới.
Rafale có 3 phiên bản bao gồm Rafale C (một chỗ ngồi) và Rafale B (hai chỗ ngồi) cho không quân, trong khi Rafale M (một chỗ ngồi) cho hải quân.
Do phiên bản B và M được thay đổi trong cấu trúc khung thân nên chúng nặng hơn phiên bản C tới 500kg.
Dù là chiến đấu cơ hạng trung nhưng Rafale óc khả năng mang theo tổng trọng lượng lên tới 9.500 kg. Nhiều hơn 1,5 tấn so với các tiêm kích hạng nặng của Nga.
Với thiết kế cánh tam giác độc đáo giúp đem lại khả năng linh hoạt cao cùng hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, đưa nó trở thành một trong những tiêm kích hàng đầu thế giới.
Tốc độ tối đa của Rafale 1.912 km/h ở cao độ lớn và 1.390 km/h ở độ cao mực nước biển.
Rafale được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Buồng lái kiểu "nhà kính" hiện đại với các màn hình LCD khổ lớn cung cấp thông tin chi tiết về vũ khí, nhiên liệu và môi trường xung quanh máy bay.

Một trong những điểm độc đáo tạo nên sức mạnh cho Rafale là hệ thống chiến tranh điện tử tích hợp có tên SPECTRA. Hệ thống này được trang bị các cảm biến bố trí xung quanh máy bay, cung cấp khả năng phát hiện, nhận dạng và xác định mối đe dọa.

Rafale có tới 14 điểm treo vũ khí dưới cánh với phiên bản B/C, 13 với phiên bản M của hải quân. Chúng thường mang theo vũ khí hỗn hợp cả không chiến và tấn công mặt đất trong mỗi nhiệm vụ.
Rafale tham chiến lần đầu trong chiến dịch Bình minh Odyssey, thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Libya vào tháng 3/2011. Hiện nay loại máy bay này đang được sử dụng bởi Pháp, Ai Cập, Ấn Độ và Qatar.