[ẢNH] Tiết lộ sốc: Tên lửa David's Sling của Israel bị tác chiến điện tử Nga bắt sống?

ANTD.VN - Một thông tin bất ngờ vừa được trang Avia của Nga đăng tải liên quan đến việc tên lửa đánh chặn Stunner thuộc tổ hợp David's Sling của Israel rơi trên lãnh thổ Syria.

Trong tuần qua đã xuất hiện một thông tin rất đáng quan tâm đó là phía Syria tuyên bố họ đã bàn giao cho Nga 1 tên lửa đánh chặn Stunner thuộc tổ hợp phòng thủ David's Sling tối tân của Israel.

Vụ việc này xảy ra từ ngày 23-7-2018 nhưng bây giờ mới được công bố chi tiết, khi đó tên lửa của Israel đã rơi trên đất Syria trong tình trạng tương đối nguyên vẹn.

Theo thông tin được trang Avia của Nga công bố, khi đó một khẩu đội David's Sling mà Israel triển khai trên cao nguyên Golan đã phóng đạn đánh chặn tên lửa đạn đạo Tochka-U phía quân đội Syria phóng đi.

Quả tên lửa Stunner khi đó bị cho là không nhận diện được mục tiêu và đã không kích hoạt được chế độ tự hủy, khiến nó rơi xuống đất và bị binh lính Syria thu giữ trước khi Israel kịp phá hủy.

Trang Avia cho rằng đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy một tên lửa đạn đạo ra đời từ thời Liên Xô cũng dễ dàng vượt qua hệ thống đánh chặn tối tân của Israel.

Do vậy sẽ là ác mộng cho quốc gia Do Thái nếu bị trở thành mục tiêu của những tên lửa hiện đại hơn như Iskander-E hay một chủng loại tương tự do Iran chế tạo.

Nhưng chưa dừng lại đây, trang Avia lại tiếp tục đưa tin gây sốc hơn nhiều về nguyên nhân thực tế dẫn tới việc tên lửa Stunner rơi vào tay quân đội Syria.

Nguồn tin của Avia cho rằng, tên lửa Stunner thuộc tổ hợp David's Sling bị rơi ở Syria có thể đã bị "bắn hạ" bởi một hệ thống tác chiến điện tử không xác định.

Điều này được Avia chứng minh bằng dữ liệu vệ tinh, cho thấy hoạt động tác chiến điện tử với cường độ cao đã diễn ra đúng vào ngày 23-7-2018 tại cao nguyên Golan (một phần lãnh thổ Syria bị Israel chiếm đóng).

Tuy nhiên hiện vẫn chưa có bình luận chính thức nào về vấn đề này từ Nga và Israel, dẫn tới rất nhiều câu hỏi liên quan đến độ tin cậy của thông tin mà Avia công bố. 

Điều đầu tiên là các hệ thống tác chiến điện tử như Krasukha 4 được Nga triển khai để bảo vệ mục tiêu mặt đất, trong khi đối tượng đánh chặn của tên lửa Stunner lại nằm ở trên trời.

Ngoài ra tổ hợp Krasukha 4 bị cho là không thể xác định chính xác vị trí của tên lửa Stunner vốn có tốc độ và độ cao hoạt động rất lớn để tập trung chùm tia công suất cao nhằm gây nhiễu.

Trang Avia cũng thường xuyên đăng tải thông tin sau đó bị xác định là không đúng sự thật, ví dụ như lần chỉ một máy bay Nga cất cánh đã khiến cả tốp tiêm kích Israel và Thổ Nhĩ Kỳ phải bỏ chạy.

Do vậy theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự, thông tin trên chỉ đơn giản là một sự phóng đại được Avia đưa ra mà thôi.

Nếu như thực sự tên lửa Stunner bị Krasukha 4 ép cho rơi thì phía lên tiếng đầu tiên có lẽ đã là Bộ Quốc phòng Nga chứ không phải một trang tin thông thường.