[ẢNH] Tiêm kích tàng hình F-35I Adir bị nghi ngờ chưa tham gia không kích Syria đêm 25/12

ANTD.VN -  Gần đây xuất hiện một số ý kiến nghi ngờ về việc Không quân Israel có thực sự điều động các tiêm kích tàng hình F-35I Adir của mình tấn công Syria trong đêm 25/12 hay không.

Kể từ khi trận oanh kích của Không quân Israel (IAF) vào các kho đạn của Quân đội Syria ở khu vực ngoại vi thủ đô Damascus kết thúc đến nay đã được vài ngày nhưng tranh cãi xung quanh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Trong đó trọng tâm chính là việc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35I Adir của Không quân Israel có thực sự tham chiến hay không?

Nhận định cho rằng F-35I Adir đã tham chiến đầu tiên đến từ những mảnh bom đường kính nhỏ GBU-39 SDB được tìm thấy trong đống đổ nát, bởi vì đây là vũ khí tối ưu hóa cho khoang trong của các chiến đấu cơ thế hệ 5.

Ngoài ra trang Debka còn dẫn nguồn tin quân sự của mình cho biết, Không quân Israel đã huy động một tốp F-35I mở đợt tấn công thứ hai sau khi đòn đánh của tiêm kích F-16 với tên lửa hành trình Delilah không phát huy hiệu quả như mong muốn.

Nhưng bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nga mặc dù cũng xác nhận đã có tổng cộng 16 quả bom GBU-39 được ném xuống, tuy nhiên họ lại không đả động gì đến việc có hay không sự xuất hiện của tiêm kích F-35I.

Thông qua báo cáo của giới quân sự Nga, đã có ý kiến cho rằng chưa chắc Không quân Israel đã cho triển khai tiêm kích F-35I.

Lý do là bởi vì bom đường kính nhỏ GBU-39 còn có thể tích hợp lên nhiều loại máy bay chiến đấu khác như F-16I Sufa hay F-15I Ra'am.

Tuy nhiên có thể dễ dàng nhận thấy rằng sẽ là điều rất phi lý khi IAF phải cho một loại chiến đấu cơ khác "đóng giả" F-35I Adir chỉ vì lý do họ sợ chiếc tiêm kích tối tân này sẽ bị phòng không Syria bắn hạ gây tổn hại uy danh của mình cũng như đồng minh Hoa Kỳ.

Câu hỏi sẽ được đặt ra ngay lập tức đó là tại sao IAF phải mạo hiểm cho F-16I hoặc F-15I mang bom GBU-39 bay vào sâu trong lãnh thổ Syria.

Trong khi đó với tên lửa Delilah tầm bắn 250 km họ có thể dễ dàng tung đòn tấn công từ trên không phận Lebanon rồi rút lui an toàn.

Cần lưu ý rằng GBU-39 là một quả bom lượn không có động cơ, nó có thể đạt tới tầm xa 110 km nhưng chỉ là ở điều kiện lý tưởng khi máy bay mang nó hoạt động ở độ cao lớn và duy trì vận tốc thích hợp.

Còn nếu như chiếc tiêm kích thế hệ 4 bay thấp để lẩn tránh radar đối phương thì cự ly này còn bị rút gọn đi tới vài lần.

Khả năng cao những nghi ngờ về việc tiêm kích F-35I Adir đã tham chiến hay chưa xuất phát từ những cá nhân "có cảm tình" với vũ khí Nga.

Họ cho rằng với sức mạnh của các tổ hợp phòng không tối tân mà Moskva cung cấp cho Damascus thì F-35I chắc chắn sẽ phải lộ diện.

Nhưng hình như họ lại quên mất một điều quan trọng, đó là nếu F-35I chưa tham chiến thì phòng không Syria thậm chí còn bỏ lọt cả tiêm kích thế hệ 4 không có khả năng tàng hình.

Các báo cáo hiện trường đều cho thấy tên lửa S-200 của Syria chỉ tập trung vào tốp tiêm kích F-16I hoạt động tận biên giới Lebanon và không hề nhận ra có sự xâm nhập ở cự ly gần hơn.

Căn cứ vào những dữ liệu kể trên, có thể tạm đi tới kết luận rằng tiêm kích tàng hình F-35I Adir của Không quân Israel đã thực sự tham chiến trong trận đánh hôm 25/12.