[ẢNH] Thổ Nhĩ Kỳ trả chuyên gia huấn luyện "rồng lửa" S-400 Nga về nước

ANTD.VN -  Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ thông báo sẽ trả chuyên gia Nga làm nhiệm vụ huấn luyện và điều khiển hệ thống S-400 về nước, động thái này được cho là nhằm xoa dịu lo ngại của Washington trong bối cảnh cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nước sắp diễn ra. 

"Hệ thống S-400 sẽ hoàn toàn do chúng tôi kiểm soát. Chúng tôi đã cử nhiều đoàn kỹ thuật viên đi huấn luyện. Chuyên gia quân sự Nga sẽ không ở lại Thổ Nhĩ Kỳ nữa", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói trên truyền hình hôm 31/5,

Ngoại trường Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhấn mạnh rằng, Ankara sẽ không chấp nhận yêu cầu rộng hơn của Washington như từ bỏ hoàn toàn hệ thống phòng không S-400 để được dỡ cấm vận.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tuyên bố trả chuyên gia quân sự Nga được cho là nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ trong bối cảnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chuẩn bị gặp người đồng cấp Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh của NATO vào tháng 6.

Sự hiện diện của các chuyên gia quân đội Nga được triển khai để lắp đặt hệ thống S-400 và huấn luyện nhân lực Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những lo ngại lớn của Mỹ.
Mỹ đặc biệt lo ngại rằng các chuyên gia vũ khí của Nga có thể tiếp cận và thu nhiều dữ liệu tình báo về các công nghệ bí mật của NATO. Do Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên khối này, nên họ được chia sẻ mạng lưới phòng không của khối NATO.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Cavusoglu bác bỏ yêu cầu không kích hoạt hệ thống S-400 do Mỹ đưa ra. "Không thể chấp nhận lời kêu gọi 'đừng sử dụng chúng' từ một quốc gia khác", ông nhấn mạnh.

Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua hai hệ thống tên lửa S-400 của Nga trị giá 2,5 tỷ USD vào tháng 12/2017. Nga hoàn tất bàn giao loạt vũ khí này cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 1/2020. Trước đó Ankara đã hỏi mua hệ thống phòng không Patriot của Mỹ, tuy nhiên Washington đã khéo léo từ chối.

Việc từ chối đó đã khiến Ankara tiến tới thương vụ thế kỷ khi đặt mua S- 400 từ Nga. Ngay sau khi tiếp nhận, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành đợt bắn thử đầu tiên vào tháng 10/2020.
Mỹ nhiều lần phản đối hợp đồng, cho rằng S-400 không tương thích với hệ thống phòng thủ NATO và việc Thổ Nhĩ Kỳ tích hợp S-400 vào lưới lửa phòng không của khối NATO sẽ đe dọa tiêm kích tàng hình F-35.
Để trừng phạt hợp đồng S-400, Washington đã gạt Ankara khỏi chương trình F-35, từ chối bàn giao 105 máy bay F-35A nước này đặt mua.

Đồng thời Mỹ cũng quyết định loại các tập đoàn quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dây chuyền sản xuất F-35.

Tuy vậy các chiến đấu cơ F-35 sản xuất dành cho Ankara vẫn đang 'bị treo', phi công Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang huấn luyện với chiến đấu cơ này tại Mỹ. Nhưng Mỹ từ chối bàn giao chúng cho Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nuôi hy vọng sẽ được Mỹ phục hồi thương vụ F-35 sau khi nước này mua S-400 của Nga.

Giới quan sát nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ đang khéo léo để sao có lợi nhất cho mình khi vừa sở hữu S-400 trong khi vẫn có chiến đấu cơ F-35.
S-400 là một hệ thống vũ khí công nghệ cao, phía Nga đã không lường trước được vấn đề phức tạp khi chế tạo số lượng lớn dẫn tới việc bị trễ hẹn bàn giao. Mặt khác những mối đe dọa tiềm tàng từ phía NATO khiến Nga vẫn ưu tiên trang bị trong nước.
S-400 do phòng thiết kế của tập đoàn Almaz-Antey (Nga) phát triển, đây là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn loạt hệ thống tên lửa đất đối không S-300.
S-400 được tích hợp radar đa chức năng chống nhiễu, hệ thống phát hiện và ngắm bắn tự động, tên lửa phòng không, bệ phóng và trung tâm chỉ huy điều khiển.
Nó có thể tiêu diệt tất cả các mục tiêu xuất hiện trên không bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây.
Với những tính năng vượt trội, S-400 được đánh giá là một trong những vũ khí phòng không hàng đầu thế giới.
Ngoài Nga thì Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã biên chế hệ thống phòng không tối tân này. Một số quốc gia khác đang đàm phán với Nga để mua hệ thống phòng không tối tân này.
Nga đang có khoảng 28 trung đoàn S-400, mỗi trung đoàn bao gồm 2 hay 3 tiểu đoàn (4 hệ thống/tiểu đoàn), chủ yếu ở vùng duyên hải và biên cương.
S-400 hiện đang được triển khai sang chiến trường Syria để thử lửa, tuy vậy cho tới nay hệ thống phòng không tối tân này vẫn chưa một lần khai hỏa.
S-400 sẽ đóng vai trò xương sống của hệ thống tên lửa phòng không của Nga cho tới khi hệ thống phòng không S-500 hoàn thiện.