[ẢNH] Thổ Nhĩ Kỳ quá viển vông khi hy vọng được sản xuất S-500 của Nga?

ANTD.VN - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyiv Erdogan mới đây đã tái khẳng định việc nước này sẽ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf và để ngỏ khả năng tham gia sản xuất cả S-500 Prometheus.

Liên quan đến thương vụ đình đám mua sắm tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan vừa đưa ra tuyên bố mới nhất sau khi xuất hiện tin đồn Ankara có thể hủy bỏ hợp đồng.

Theo ông Erdogan, S-400 Triumf là đơn hàng đã được chốt và không thể thay đổi, bất chấp việc Mỹ có thể trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ bằng đạo luật CAATSA khi ngừng chuyển giao tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II.

Chưa dừng lại đó, tổng thống Erdogan còn đưa ra một tuyên bố gây sốc hơn đó là Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tham gia vào quá trình sản xuất tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa tối tân hơn là S-500 trong tương lai.

Thông tin này ngay lập tức đã gây nên một cú sốc lớn đối với truyền thông quốc tế, đi kèm rất nhiều bình luận, đánh giá về tính khả thi của những điều mà ông Erdogan đã nói.

Theo nhận định từ giới phân tích tình hình khu vực thì khả năng cao tuyên bố vừa qua của ông Erdogan chỉ nhằm mục đích lấy tinh thần chứ khó có khả năng trở thành hiện thực.

Thứ nhất là tổ hợp phòng không S-500 của Nga chưa biết đến bao giờ mới hoàn thiện khi chưa xuất hiện bất cứ hình ảnh thật nào của nó, sẽ là quá phiêu lưu khi Ankara đặt cược vào sản phẩm này.

Hơn nữa S-500 là tổ hợp vũ khí mang nhiều công nghệ tuyệt mật của Nga vì nó được xác định là chủ lực của lưới lửa bảo vệ bầu trời nước này, khó có chuyện Moskva đồng ý chia sẻ công nghệ cho Ankara.

Ví dụ điển hình nhất mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cần phải cân nhắc chính là trường hợp của Ấn Độ trong hợp đồng liên doanh chế tạo tiêm kích tàng hình thế hệ 5 FGFA cùng Nga.

FGFA được biết đến như một dẫn xuất từ tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga khi buồng lái được sửa đổi cho 2 người điều khiển, Ấn Độ là bên cung cấp tài chính chủ yếu cho dự án.

Mặc dù hợp đồng đã ghi rõ Ấn Độ được tiếp cận với toàn bộ tài liệu mật của chương trình FGFA nhưng thực tế điều khoản này không được Nga thực thi nghiêm chỉnh.

New Delhi nhiều lần cáo buộc rằng Moskva cố tình "ém hàng" đối với những thành phần bí mật cốt lõi của tiêm kích FGFA, bất chấp việc đáng lẽ ra chúng phải được chia sẻ đầy đủ cho Ấn Độ.

So sánh với New Delhi, Ankara chưa từng tham gia vào quá trình chế tạo bất cứ vũ khí hiện đại nào của Nga, quan hệ quốc phòng của họ với Moskva cũng chẳng thể so sánh cùng Ấn Độ về mức độ quan trọng.

Bởi vậy thật khó tin khi Nga lại đồng ý chia sẻ công nghệ lõi của S-500 Prometheus để Thổ Nhĩ Kỳ có thể tham gia vào quá trình sản xuất như những gì mà ông Erdogan vừa đề cập.

Tuyên bố trên của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ theo nhận định thì mục đích chính chỉ nhằm "lên gân" với Mỹ mà thôi, khả năng trở thành hiện thực là quá nhỏ bé.

Chọn lựa cách gây áp lực như trên có vẻ không phải là giải pháp thực sự tối ưu mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện vào thời điểm hiện nay.