[ẢNH] Thất vọng lớn khi Nga lại dừng đột ngột việc sản xuất Su-57

ANTD.VN - Những tưởng cuối cùng thì tiêm kích tàng hình Su-57 cũng được Nga sản xuất hàng loạt sau hợp đồng đặt mua 12 chiếc từ Bộ quốc phòng, tuy nhiên một lần nữa Nga lại tuyên bố sẽ chỉ sản xuất loạt loại máy bay này khi chúng đạt trạng thái hoàn hảo nhất.

Nếu F-35 là dự án máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 tốn kém nhất của Mỹ, loại máy bay "nhiều tài lắm tật" này cuối cùng cũng đã đi vào trang bị thì tại Nga, dự án máy bay thế hệ thứ 5 Su-57 một lần nữa lại lùi thời hạn đi vào sản xuất loạt.

Trong tương lai gần lực lượng hàng không vũ trụ Nga sẽ không đặt hàng thêm loại tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57, Phó Thủ tướng Yuri Borisov cho biết.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình “Russia-24” ông Yuri Borisocho biết Nga sẽ sản xuất hàng loạt tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57 sau khi chúng đạt trạng thái chiến đấu hoàn hảo nhất.

Ông nói: “Hiện nay chúng ta đang sở hữu tiêm kích Su-35, chúng cũng được coi là một trong những chiếc máy bay tốt nhất thế giới, vì vậy chúng ta không bắt buộc phải sản xuất hàng loạt loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm này".

"Tiêm kích Su-35 cùng với các loại máy bay khác đủ sức cạnh tranh với các đối thủ tiềm năng hiện nay”, ông kết luận.

Đây không phải là lần đầu tiên loại máy bay này trễ hẹn trong biên chế không quân Nga.

Su-57 là sản phẩm của hãng sản xuất máy bay nổi tiếng Sukhoi. Quân đội Nga đã tin tưởng hãng này thay vì trao việc phát triển máy bay thế hệ thứ 5 cho hãng Mikoyan.

Qua 2 năm phác thảo và thiết kế, năm 2007 Tư lệnh không quân Nga Alexander Zelin ra tuyên bố chính thức về chương trình phát triển máy bay thế hệ thứ 5 mới của Nga với 3 nguyên mẫu đầu tiên được chế tạo.

Ban đầu máy bay được định danh là Sukhoi PAK FA T-50. Chuyến bay đầu tiên được thực hiện thành công vào ngày 29-1-2010 do phi công Sergey Bordan thực hiện.

Đã có tới 12 nguyên mẫu ra đời tiếp tục hoàn thiện công tác thử nghiệm trước khi đi vào sản xuất loạt. Dự kiến ban đầu loại máy bay này sẽ đi vào trang bị trong năm 2017.

Tuy nhiên những vấn đề kỹ thuật, đặc biệt là động cơ khiến cho loại máy bay này liên tục bị lùi thời hạn.

Sau khi mốc 2017 không đạt được, Nga cho biết sẽ đưa Su-57 vào hoạt động trong cuối năm 2018, nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn họ lại cho biết Su-57 sẽ đi vào biên chế trong năm 2019.

Nhưng mới đây Nga lại cho rằng lô tiêm kích Su-57 sẽ chính thức hoạt động đầy đủ trong không quân Nga vào năm 2027.

Giờ đây Nga lại chưa nhất thiết phải sản xuất Su-57 trong khi Su-35 vẫn đang hoạt động rất tốt.

Phía Nga cũng đưa ra lý do rằng việc sản xuất số lượng lớn Su-57 sẽ khiến Nga thiếu phi công. 

Tiêm kích Su-57 còn nhiều bí mật chưa được tiết lộ nên việc đào tạo phi công điều khiển chúng cần thời gian.

Ngoài ra việc trang bị nhiều loại máy bay này ở nhiều đơn vị trong lực lượng vũ trang sẽ cần thêm cơ sở hạ tầng, lực lượng bảo đảm, bảo dưỡng máy bay ở các đơn vị.

Để thực hiện các chuyến bay đối vơi Su-57 chúng cần phải được kiểm tra kỹ thuật rất cẩn thận. 

Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan kỹ thuật của các căn cứ không quân. Họ cần phải chuẩn bị cho các chuyến bay, thực hiện bảo trì định kỳ và thực hiện các công việc cần thiết khác.

Một lý do nữa được đưa ra là năng lực tài chính dành cho sản xuất máy bay Su-57 của Nga còn hạn chế. Vì vậy nước này chưa thể sản xuất loạt được số lượng máy bay Su-57.

Hiện tại 12 nguyên mẫu đã được sản xuất và đang được Nga hoàn thiện để sẵn sàng đi vào phục vụ trong không quân Nga cho tới khi những vấn đề trên được giải quyết để chúng đi vào sản xuất số lượng lớn.

Tuy vậy giới quan sát cho rằng nguyên nhân thực sự của việc Su-57 chậm đi vào sản xuất loạt chính là vấn đề kỹ thuật.

Trong đó Nga vẫn chưa hoàn thiện được động cơ dành cho máy bay thế hệ thứ 5.

Hiện những chiếc Su-57 vẫn đang sử dụng động cơ của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, vì vậy năng lực chiến đấu của chúng đã giảm đi đáng kể.

Ngoài ra khả năng tàng hình của Su-57 cũng không như kỳ vọng. Hiện các thông số phản hồi radar đều lớn hơn gấp chục lần so với máy bay cùng loại của Mỹ.

Đây có thể là nguyên nhân chính khiến cho Nga phải liên tục dời thời hạn sản xuất loạt và đi vào biên chế.

Su-57 có chiều dài 19,8m, sải cánh 13,95m, cao 4,74m, trọng lượng rỗng 18 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 35 tấn, tải trọng nhiên liệu 10,3 tấn.

Tải trọng vũ khí của Su-57 vào khoảng 8 tấn.

Máy bay được chế tạo với những vật liệu đặc biệt vừa có tính năng kết cấu vững chắc vừa có trọng lượng nhẹ lại có khả năng chống lại phản hồi của tín hiệu radar đối phương.

Su-57 được trang bị radar-cảm biến tiên tiến nhất trong lịch sử phát triển máy bay quân sự Nga, vượt trội bất cứ máy bay chiến đấu nào trước đây của họ.

Radar chính N050 lắp ở mũi máy bay truyền thống nhưng có thêm hai radar phụ vuông góc hai bên cho phép tăng góc quét gấp nhiều lần các máy bay chiến đấu hiện tại trên thế giới vốn chỉ có một radar nằm ở mũi.

Ngoài ra Su-57 còn được trang bị hệ thống cảm biến quang học vốn phổ biến 101KS để phát hiện, nhận diện theo dõi mọi mục tiêu trên không và hệ thống gây nhiễu hồng ngoại 101KS-O đánh lạc hướng tên lửa tầm nhiệt

Phi công Su-57 còn được trang bị mỹ bay NSTsI-V để thuận tiện hơn trong việc khóa bắn mục tiêu khi không chiến.

Khi được trang bị động cơ mới, chiến đấu cơ Su-57 đạt tốc độ tối đa Mach 2 tức 2.140km/h, tầm bay với tốc độ siêu âm lên tới 1.500km (vượt xa thế hệ 4), trần bay 20.000m.

Cũng giống các máy bay thế hệ thứ 5 khác, Su-57 có hai khoang vũ khí có kích cỡ dài khoảng 4,6m, rộng 1m. Ngoài ra còn có 6 giá treo bên ngoài cánh.

Khoang vũ khí sử dụng kiểu giá phóng quay lắp nhiều tên lửa gồm: UVKU-50L (tải trọng 300kg) và UVKU-50U (tải trọng 700kg). Khoang vũ khí này có thể cho phép mang các tên lửa không đối không tầm ngắn K-75M2 và tầm trung K-77M; tên lửa không đối đất Kh-38M và bom thông minh 250-500kg và tên lửa chống hạm Kh-35UE. Nga sẽ cần một khoảng thời gian ngắn nữa để hoàn thiện "con quái thú" bầu trời này.