[ẢNH] Tên lửa hạt nhân Burevestnik và tàu ngầm hạt nhân Poseidon của Nga chính thức lộ diện

ANTD.VN - Trong thông điệp liên bang được Tổng thống Vladimir Putin đọc hồi đầu năm, ông đã liệt kê 5 loại vũ khí mới cực mạnh sẽ được trang bị cho quân đội Nga trong tương lai.

5 vũ khí mới được ông Putin nhắc đến trong thông điệp liên bang gồm tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Kh-47M2 Kinzhal, tên lửa đạo đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat.

Bên cạnh đó là tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân Burevestnik, tàu lượn siêu vượt âm Avangard và tàu ngầm không người lái Poseidon.

Đây đều là những vũ khí cực mạnh, được kỳ vọng sẽ mang lại ưu thế vượt trội cho Quân đội Nga trước mọi đối thủ hiện tại và trong tương lai.

Tuy nhiên ngoại trừ tên lửa RS-28 Sarmat cùng với Kh-47M2 Kinzhal đã được nhìn thấy thông qua một số cuộc thử nghiệm thì 3 vũ khí còn lại mới chỉ xuất hiện ở dạng đồ họa.

Điều này đã gây nghi ngờ về tính xác thực của chúng, đặc biệt khi Mỹ cho rằng Nga đang cố gắng phóng đại sự việc.

Như để phản bác luận điệu trên của Mỹ, truyền hình Nga ngày hôm qua đã đăng tải những đoạn video về 2 trong 3 phương tiện tấn công chiến lược này.

Đầu tiên là tàu ngầm hạt nhân không người lái Poseidon mà trước kia được biết đến với tên gọi Status-6.

Vũ khí trên được xem như cách thức tung đòn tấn công kiểu mới của Nga, đó là thay vì cú đánh quyết định từ trên trời thì giờ đây sẽ đến từ dưới lòng biển.

Qua hình ảnh này, dễ dàng nhận thấy rằng hình dáng thực tế của Poseidon khác rất nhiều so với đồ họa, nó phải được gọi chính xác là một quả ngư lôi hạt nhân.

Vũ khí tiếp theo, tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân Burevestnik cũng có khá nhiều khác biệt so với hình ảnh đồ họa.

Khi nhìn cận cảnh thì phần đầu tên lửa tỏ ra "góc cạnh" hơn chứ không tròn như nhiều người vẫn tưởng.

Phần thân và động cơ của tên lửa vẫn được giấu kín trong ống phóng hình chữ nhật cho nên chưa thể xác định chính xác nó có giống với tưởng tượng hay không. 

Tuy nhiên có một chi tiết cần lưu ý đó là kích thước rất nhỏ gọn của quả đạn, hầu như chẳng chênh lệch là bao so với một tên lửa hành trình thông thường.

Điều này cho thấy Nga đã đạt được thành tựu rất lớn trong việc thu nhỏ kích thước lò phản ứng hạt nhân.

Burevestnik trái ngược hẳn với tên lửa SLAM thuộc Dự án Pluto mà Mỹ từng triển khai và hủy bỏ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi nó yêu cầu tên lửa phải to như một máy bay ném bom có người lái.