[ẢNH] Tàu sân bay Mỹ có nguy cơ nằm bờ khi thủy thủ nhiễm Covid-19?

ANTD.VN - Ba thủy thủ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt được xác nhận dương tính với virus Covid-19, nâng số người dương tính với virus trong quân đội Mỹ lên 174.

Ba thủy thủ Mỹ trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hoạt động ở Thái Bình Dương đã được xác nhận dương tính với Covid-19, Hải quân Mỹ cho biết hôm 24-3.

Đây là lần đầu tiên virus nguy hiểm này xuất hiện trên một tàu quân sự đang hoạt động, theo Wall Street Journal.

Tin tức này được đưa ra trong bối cảnh quân đội Mỹ đang mở rộng nỗ lực ứng phó với virus Covid-19, thúc đẩy triển khai tàu y tế, bệnh viện dã chiến và kích hoạt lực lượng Vệ binh Quốc gia trên toàn quốc.

Ba thủy thủ đã được không vận từ tàu USS Theodore Roosevelt đến một bệnh viện quân sự trong khu vực, Đô đốc Michael Gilday, chỉ huy trưởng các hoạt động hải quân, nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo của Lầu Năm Góc.

Tàu USS Theodore Roosevelt vẫn sẽ tiếp tục hoạt động, Đô đốc Gilday nói, nhưng một số lượng thủy thủ không xác định đã bị cách ly khỏi chiếc tàu sân bay khổng lồ này.

USS Theodore Roosevelt là loại tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, với trọng tải lên tới hơn 117.000 tấn.

Tàu có chiều 332 m và độ rộng: 76,8 m và là chỗ sinh hoạt chiến đấu của hơn 5.000 thành viên bao gồm thủy thủ và phi công.

Khi cần thiết tàu có thể triển khai tới 90 máy bay chiến đấu các loại, trong đó có tới 40 máy bay tiêm kích hạm.

USS Theodore Roosevelt (CVN-71) cũng là một trong những tàu sân bay có kinh nghiệm dày dạn trận mạc nhất của Mỹ.

Nằm 1991, con tàu không kích Iraq trong chiến dịch Bão táp sa mạc. Năm 1999, cũng tàu sân bay này thực hiện các cuộc tấn công vào Kosovo và Serbia.

Sau các vụ khủng bố ngày 11-9-2001, USS Theodore Roosevelt được triển khai tới Trung Đông và tham gia vào các cuộc oanh kích đầu tiên vào mạng lưới khủng bố Al Qaeda và Taliban.

Sau đó 2 năm, các chiến cơ từ USS Roosevelt đã tấn công mục tiêu tại Iraq trong những ngày đầu của chiến dịch Tự do cho người Iraq.

Giống như những người chị em của mình, Roosevelt đã trải qua các đợt đại tu trong 30 năm hoạt động và Hải quân Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục các đợt nâng cấp như vậy trong tương lai.

Nhân viên trên tàu mặc nhiều màu áo khác nhau để phân biệt nhiệm vụ của họ.

USS Theodore Roosevelt (CVN-71) còn được gọi với biệt danh Rough Rider hay Big Stick, có khả năng hoạt động hàng trăm ngày trên biển. Năm 2002, tàu lập kỷ lục về thời gian làm nhiệm vụ với 159 ngày liên tục.

Ngoài hệ thống phục vụ các chiến cơ, con tàu như thành phố nổi này có thể lọc được hơn 1.500 mét khối nước mỗi ngày từ nước biển, số lượng đủ khả năng cung cấp cho khoảng 2.000 hộ dân.

Trên tàu có khoảng hơn 30.000 chiếc đèn các loại, còn số lượng điện thoại bàn để liên lạc là 1.400 chiếc

Hệ thống tự vệ của tàu là giàn phóng tên lửa Sea Sparrow, dùng để chống lại các đòn tấn công đường không của đối phương ở cự ly gần. USS Theodore Roosevelt thường di chuyển trong đội hình hộ tống gồm ít nhất một tuần dương hạm và 5 tàu khu trục.