[ẢNH] Tàu sân bay Ấn Độ và thương vụ đầy thử thách với Nga

ANTD.VN - INS Vikramaditya là chiếc tàu sân bay lớn nhất, hiện đại nhất của Hải quân Ấn Độ, nó được hoán cải từ tuần dương hạm hàng không lớp Kive từ thời Liên Xô. Tuy là niềm kiêu hãnh đầy sức mạnh, nhưng INS Vikramaditya cũng gợi nhớ tới một thường vụ đầy thử thách với Nga.
Đề án 1143 Krechyet, lớp Kiev là loại tàu sân bay đầu tiên được xây dựng cho Hải quân Liên Xô với tên gọi tuần dương hạm hàng không hạng nặng. Một kiểu định danh chỉ có ở Liên Xô.
Để đảm nhiệm vai trò vừa là tuần dương hạm, vừa tàu sân bay, boong tàu được thiết kế với 2 phần riêng biệt. Hai phần ba chiều dài bên mạn trái được thiết kế kéo dài làm sàn cho máy bay chiến đấu hoạt động. Cấu trúc thượng tầng dạng “đảo nổi” được bố trí phía bên mạn phải.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, các tuần dương hạm hàng không lớp Kiev phải ngưng hoạt động vào năm 1993 do thiếu kinh phí. Chiếc Kiev và Minsk bị bán cho Trung Quốc vào năm 1995 và 1996, chiếc Novorossiysk bán cho Hàn Quốc và bị tháo dỡ vào năm 1997.

Riêng chiếc Đô đốc Gorshkov thì may mắn hơn, khi tàu này chuẩn bị rã sắt vụn thì Ấn Độ đã đồng ý mua lại và hoán cải thành tàu sân bay INS Vikramaditya. Tuy mang trong mình niềm tự hào của hải quân Ấn Độ nhưng tàu sân bay này cũng chính là bài học khó quên của họ.

Đó là những năm 2000, Ấn Độ phải đối mặt với một vấn đề nan giải: Tàu sân bay duy nhất của nước này mang tên INS Viraat đã nghỉ hưu vào năm 2007 và cần được thay thế bằng cách nhanh nhất.
Các lựa chọn của Ấn Độ bị hạn chế. Các quốc gia đóng tàu sân bay vào thời điểm đó là Mỹ, Pháp và Ý đóng những con tàu quá lớn so với số tiền mà Ấn Độ có thể chi ra.

Mỹ còn có một giải pháp thứ hai là đề nghị tặng lại chiếc tàu 82.200 tấn USS Kitty Hawk mới loại biên cho Ấn Độ với điều kiện nước này phải mua tiêm kích hạm F/A-18. Tuy nhiên Ấn Độ đã bỏ qua. Có lẽ đây là lời từ chối tiếc nuối nhất của Ấn Độ.

Năm 2004, New Delhi và Moscow đã ký một thỏa thuận trong đó Ấn Độ sẽ tiếp quản tàu sân bay Đô đốc Gorshkov. Con tàu sẽ được bàn giao miễn phí, nhưng với điều kiện Ấn Độ sẽ phải trả 974 triệu USD cho Nga để nâng cấp nó.
Đó là một dự án đầy tham vọng. Với trọng lượng 44.500 tấn, Đô đốc Gorshkov là một con tàu khổng lồ hơn 16 năm tuổi nhưng có 8 năm "xếp xó" dưới mùa đông khắc nghiệt của nước Nga.
Nga cam kết sẽ chuyển đổi từ tàu sân bay trực thăng này thành tàu sân bay cánh bằng với đường băng dài khoảng 274m. Khi hoàn thiện nó trở thành sân bay nổi cho 24 máy bay chiến đấu MiG-29K và tối đa là 10 máy bay trực thăng Kamov.
Tàu sẽ có nhiều hạng mục mới như: radar, nồi hơi cho động cơ đẩy, dây cáp hạ cánh cho máy bay và thang máy... Tất cả 22 khu vực sẽ được tân trang.
Tàu sân bay mới sẽ được đặt tên là INS Vikramaditya, theo tên của một vị vua Ấn Độ cổ đại. Những tưởng một tàu sân bay với giá dưới 1 tỷ USD có vẻ là một thương vụ hời cho người Ấn Độ.

Tuy nhiên hóa ra đây mới là sự khởi đầu cho một thương vụ đầy thử thách cho Ấn Độ. Vào năm 2007, chỉ một năm trước khi giao hàng, nhà máy đóng tàu Sevmash của Nga thông báo không thể đáp ứng thời hạn đầy tham vọng này.

Thậm chí tệ hơn nữa, họ đòi hỏi số tiền gấp đôi, lên tới 2,9 tỷ USD để hoàn thành công việc. Một số ý kiến của các nhà phân tích cho rằng hãng Sevmash đang cố "vòi tiền" từ Ấn Độ.

Một năm sau, hãng đóng tàu Sevmash lại ước tính tàu sân bay mới chỉ hoàn thành 49% khối lượng công việc. Thậm chí giám đốc điều hành của Sevmash đề nghị Ấn Độ nên trả thêm 2 tỷ USD, với lý do giá thị trường của một tàu sân bay vào khoảng từ 3 đến 4 tỷ USD.

Đáng chú ý, Sevmash là công ty chuyên về chế tạo tàu ngầm và chưa từng đóng bất kỳ tàu sân bay nào trước đây. Tuần dương hạm lớp Kiev lại được đóng tại Nhà máy đóng tàu Nikolayev, sau khi Liên Xô tan rã đã trở thành một phần của Ukraine.

Với công việc đã hoàn thành được một nửa và số tiền ban đầu 974 triệu USD đã giải ngân, Ấn Độ không thể phá vỡ thỏa thuận này.

Nga biết điều đó, và thẳng thừng áp đặt lựa chọn của Ấn Độ. "Nếu Ấn Độ không trả tiền, chúng tôi sẽ giữ tàu sân bay" một quan chức của Bộ Quốc phòng Nga khi đó nói với RIA-Novosti.

Đến năm 2009, dự án đã hoàn toàn bế tắc. Xuất khẩu vũ khí của Nga trong năm 2009 chỉ đạt 8 tỷ USD thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Chính sự chậm trễ cũng như các chiến thuật của Sevmash đã trở thành hình ảnh không tốt cho toàn bộ ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Vào tháng 7/2009, Tổng thống Nga lúc đó là Dmitri Medvedev đã có chuyến thăm tới xưởng đóng tàu Sevmash. Tin tức Ấn Độ cho biết rằng tàu sân bay vẫn chỉ hoàn thành một nửa, có nghĩa là công nhân của công ty Sevmash đã hầu như không làm việc trên tàu trong suốt hai năm. Điều này làm ông Medvedev không hài lòng.
"Anh cần phải hoàn thành (INS Vikramaditya) và giao nó cho các đối tác của chúng tôi". Tổng thống ra lệnh rõ ràng với Tổng giám đốc công ty Sevmash Nikolai Kalistratov.

Nhằm phá vỡ thế bế tăc, vào năm 2010, chính phủ Ấn Độ đã đồng ý tăng gấp đôi ngân sách lên tới 2,2 tỷ USD. Con số này thấp hơn mức mà 2,9 triệu đô la mà Sevmash yêu cầu, và ít hơn nhiều so với mức giá thị trường gợi ý của công ty này là 4 tỷ đô la.

Đột nhiên, nhân sự của Sevmash bắt đầu làm việc chăm chỉ hơn, và hoàn thành nửa còn lại của bản nâng cấp tàu sân baychỉ sau ba năm.

INS Vikramaditya cuối cùng đã tham gia thử nghiệm trên biển vào tháng 8/2012 và được đưa vào hải quân Ấn Độ vào tháng 11/2013. Tuy vậy đến Ấn Độ vẫn phải trả thêm tiền và đến khi nhận bàn giao con tàu đã độ lên mức giá 2,35 tỷ USD, tức cao gấp hơn 2,4 lần so với thỏa thuận ban đầu.

Cùng với phi đội 45 chiếc MiG-29K trị giá 2,2 tỷ USD, như vậy Ấn Độ đã phải trả cho Nga ít nhất 4,55 tỷ USD để tàu INS Vikramaditya có khả năng hoạt động và tác chiến đúng nghĩa.

Tại buổi lễ bàn giao tàu sân bay INS Vikramaditya, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ khi đó là ông AK Anthony bày tỏ sự nhẹ nhõm rằng: "Thử thách đã kết thúc, thậm chí có một thời gian Ấn Độ đã nghĩ rằng không bao giờ có được nó".

INS Vikramaditya được coi là loại vũ khí tấn công tầm xa cực hiệu quả. Chúng có thể lặng lẽ tiếp cận bờ biển đối phương và tung ra các cuộc tấn công bằng phi đội tiêm kích MiG-29K.
Tàu sân bay INS Vikramaditya chính là biểu tượng sức mạnh của Hải quân Ấn Độ trong những năm đầu thế kỷ 21, và cùng với Liêu Ninh (CV-16) đang phục vụ trong biên chế Hải quân Trung Quốc, đây là hai tàu sân bay mạnh nhất Châu Á.
Tàu có khả năng mang theo 36 máy bay các loại trong đó có hàng chục chiếc tiêm kích hạm đa năng MiG-29K cực hiện đại do Nga sản xuất. Đây được coi là phi đội đáng sợ cho bất cứ đối thủ nào.
Ngoài tiêm kích hạm MiG-29K, tàu còn có thể mang theo trực thăng cảnh báo và chỉ huy Ka-31; trực thăng săn ngầm Ka-28; trực thăng Westland WS-61 Sea King.
Trang bị vũ khí của tàu bao gồm tên lửa phòng không Barak 1, Barak 8; 4 tổ hợp pháo bắn nhanh AK-630.
Số lượng thủy thủ, phi công và nhân viên phục vụ trên tàu tối đa là 1.610 người.
Tàu sân bay INS Vikramaditya có 8 lò hơi nước, 4 trục chân vịt và 4 động cơ diesel; tổng công suất 180.000 mã lực.
Vận tốc cực đại: 56km/h; tầm hoạt động: 25.000km khi chạy với vận tốc 33km/h. Dự trữ hành trình của tàu sân bay INS Vikramaditya là 45 ngày
Tuy mang trong mình năng lực tác chiến đáng nể, nhưng giới phân tích cho rằng mức giá Ấn Độ phải trả là quá cao và tiến độ quá chậm trễ cho tàu sân bay INS Vikramaditya. Với số tiền đó nếu Ấn Độ nhận lời của Mỹ để có USS Kitty Hawk thì vẫn là giải pháp đáng để suy nghĩ.