[ẢNH] Taliban bị dội gáo nước lạnh khi Liên Hiệp Quốc từ chối cho phát biểu

ANTD.VN - Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông báo người đại diện Afghanistan phát biểu tại Đại hội đồng sẽ là đại sứ của chính quyền cũ, đồng thời từ chối ứng viên được lực lượng Taliban đề nghị.

Phiên Tranh luận Cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bắt đầu từ ngày 21/9 và sẽ kết thúc vào ngày hôm nay 27/9, với đại diện của Afghanistan là người phát biểu cuối cùng.

Người phát ngôn LHQ nói quan chức Taliban sẽ không được phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng vào ngày 27/9. Trách nhiệm này thuộc về đại sứ của chính phủ Afghanistan trước đây.

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết, hiện tại, đại diện của Afghanistan được ghi tên trong danh sách phát biểu là ông Ghulam M. Isaczai.
Đại sứ Afghanistan ​phát biểu lần cuối cùng tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76 hôm nay 27/9.
Hồi đầu tuần, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Taliban Amir Khan Muttaqi đã yêu cầu cho nhóm này được phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới. Ông này đề cử phát ngôn viên Suhail Shaheen của Taliban tại Doha, Qatar làm đại sứ Liên Hợp Quốc của Afghanistan.
Cụ thể, Phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric hôm 21/9 cho biết, Tổng thư ký Antonio Guterres nhận được thư từ Amir Khan Muttaqi, yêu cầu tham gia phiên họp cấp cao tuần này. Theo bức thư, Muttaqi là "Bộ trưởng Ngoại giao".
Bức thư có tiêu đề "Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, Bộ Ngoại giao" nói rằng cựu tổng thống Ashraf Ghani đã bị lật đổ vào ngày 15/8. Các quốc gia trên thế giới không còn công nhận ông ấy là tổng thống", bức thư có đoạn viết.
Bức thư cũng chỉ ra rằng Ghulam Isaczai "không còn đại diện" cho Afghanistan, đồng thời đề cử phát ngôn viên của Taliban ở Qatar là Suhail Shaheen làm đại diện thường trực của Afghanistan tại Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, một ủy ban gồm 9 thành viên (trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Nga) sẽ quyết định các vấn đề liên quan đến việc công nhận Afghanistan hay không. Theo truyền thống, cơ quan này thường nhóm họp vào tháng 10 hoặc tháng 11.
Ông Isaczai sẽ giữ chức cho đến khi có quyết định của ủy ban liên quan đến chính quyền Afghanistan.
Theo người phát ngôn Taliban, Liên Hợp Quốc nên công nhận chính quyền Taliban khi “biên giới, lãnh thổ và các thành phố lớn của Afghanistan đều nằm trong tầm kiểm soát" của họ.
Tuy nhiên, lực lượng Taliban lại không chấp thuận các điều kiện để công nhận Chính phủ mới tại Afghanistan do cộng đồng quốc tế đưa ra.
Cụ thể, Liên Hợp Quốc đã nêu những điều kiện công nhận lực lượng Taliban là Chính phủ mới tại Afghanistan bao gồm: không để khủng bố sử dụng địa bàn để tấn công các nước khác, tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ, nhà nước pháp quyền và quyền tự do truyền thông.
Cuối cùng là việc Taliban cần thực hiện cam kết đối với việc để công dân nước ngoài và người Afghanistan có nhu cầu rời khỏi nước này, phù hợp với nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Nhưng Taliban bác bỏ gần hết các điều khoản. Ngay khi công bố toàn bộ các thành viên trong chính phủ lâm thời, không hề có sự xuất hiện của phụ nữ. Thậm chí họ còn dẹp luôn cả Bộ Phụ nữ, thay vào đó là Bộ Đạo đức tôn giáo.
Chưa dừng lại ở đó, lực lượng này cũng tuyên bố tái khôi phục các hình phạt hà khắc và man rợ như thời Trung cổ tại Afghanistan.
Rất nhiều cam kết của Taliban trước đó về xây dựng một chính quyền ôn hòa hơn trước đây đều đã bị xé bỏ.

Khi Taliban cầm quyền lần đầu năm 1996-2001, LHQ từ chối công nhận chính phủ do họ thành lập và trao ghế đại sứ cho đại diện của Burhanuddin Rabbani, tổng thống Afghanistan năm 1992-1996.

Sau khi lên nắm quyền lần hai ở Afghanistan, Taliban muốn được quốc tế công nhận để từ đó họ có giúp đỡ tài chính để tái thiết đất nước bị tàn phá trong chiến tranh.

Tuy nhiên, nội các mới của Taliban khiến LHQ rơi vào thế khó xử khi một số bộ trưởng trong chính phủ lâm thời của Afghanistan, bao gồm Muttaqi, nằm trong danh sách đen của LHQ do liên quan đến hoạt động khủng bố quốc tế.
Các thành viên Ủy ban Chứng nhận của LHQ có thể dùng việc công chính quyền Taliban như một biện pháp gây áp lực để nhóm này ban hành chính sách ôn hòa hơn và đảm bảo quyền con người, bao gồm việc cho phép phụ nữ đi học và đi làm.