[ẢNH] Tại sao Trung Quốc lại ái ngại khi Mỹ mua chính chiến đấu cơ cũ của mình?

ANTD.VN - Với việc mua lại những chiếc F-5E cũ vốn có sự cơ động rất tốt, Mỹ có thể tăng cường huấn luyện để nâng cao sức chiến đấu của những phi công mình. 

Rõ ràng với việc mua lại những chiến đấu cơ F-5E cũ để dùng cho việc huấn luyện đối kháng, những phi công Mỹ sẽ có những kỹ năng chiến đấu đỉnh cao. Điều này khiến Nga và Trung Quốc lo ngại nếu phi công họ phải đối đầu với những phi công có kỹ năng chiến đấu đỉnh cao của đối phương.

Hiện Mỹ vẫn đang là quốc gia có số giờ huấn luyện phi công chiến đấu hàng năm cao nhất thế giới, tuy vậy dường như họ vẫn chưa muốn dừng lại. 

Mới đây họ lại xét duyệt ngân sách để mua tiếp những chiến đấu cơ F-5E cũ của Thụy Sĩ để bổ sung vào phi đội máy bay dùng để huấn luyện phi công.

Cụ thể Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo dự kiến yêu cầu ngân sách quốc phòng 718 tỷ USD cho tài khóa 2020. Trong đó có 39,7 triệu USD mua chiến đấu cơ F-5 vốn được chuyển giao cho Thụy Sĩ từ năm 1978.

Theo nguồn tin quân sự Mỹ, sau khi được tiếp nhận, những chiếc F-5E sẽ được Không quân nước này nâng cấp lên chuẩn F-5N và kéo dài thời gian phục vụ và được sử dụng cho vai trò đặc biệt - đóng giả tiêm kích "phe địch" huấn luyện phi công không chiến.

Với kiểu dáng nhỏ gọn, những chiếc F-5 được xem là phù hợp để đóng giả các loại tiêm kích MiG của Liên Xô và cả Su hiện nay của Không quân Nga, Trung Quốc và chiến đấu cơ Iran.

Máy bay tiêm kích F-5E Tiger II là thế hệ hai của dòng tiêm kích hạng nhẹ F-5 do công ty Northrop sản xuất vào đầu những năm 1970 nhằm giành hợp đồng Máy bay Tiêm kích Quốc tế (IFA) mà chính quyền Mỹ đưa ra lúc đó.

Tuy chỉ có khoảng 1.400 chiếc F-5E và F-5F (mẫu hai chỗ ngồi để huấn luyện) nhưng đã được Mỹ xuất khẩu tới khoảng 30 quốc gia trên thế giới.

Đến ngày nay, vài trăm chiếc vẫn còn tồn tại trong không quân nhiều nước trên thế giới. Nhìn vào những con số này, có lẽ không ít người coi F-5E là một mẫu chiến đấu cơ thành công của nước Mỹ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng F-5E có số phận khá kỳ lạ ngay từ khi nó được “sinh ra”.

Tiêm kích hạng nhẹ F-5E khi được Northrop tạo ra, Không quân Mỹ đã không sử dụng chúng cho vai trò chiến đấu cơ tiền tuyến mà là để đóng giả máy bay đối phương (OPFOR) cho vai trò huấn luyện.

Với kiểu dáng nhỏ gọn, tính năng tương tự, F-5E được dùng để đóng giả MiG-21 của Liên Xô để phi công Mỹ luyện đối đầu. Hiện nay, vẫn còn số lượng rất nhỏ F-5E được Hải quân Mỹ sử dụng để làm OPFOR.

Ở trong nước, Mỹ chỉ dùng F-5E để huấn luyện tập bắn, nhưng trên thế giới thì F-5E được viện trợ (cho không) và bán với giá rẻ cho các nước đồng minh sử dụng.

Khoảng 900 chiếc được Northrop chế tạo tại Mỹ, số còn lại công ty này cung cấp giấy phép sản xuất cho Thụy Sĩ, Đài Loan, Hàn Quốc tự chế tạo phục vụ cho nhu cầu trong nước. Đơn giá một chiếc thời điểm đó được xác định là 2,1 triệu USD.

Ở khu vực Đông Nam Á, bốn nước gồm Indonesia, Thái Lan, Việt Nam (VNCH), Singapore đã được Mỹ cung cấp F-5E. Tới ngày nay, ngoài Việt Nam thì ba nước còn lại vẫn dùng F-5E, hầu hết đã trải qua nâng cấp hiện đại hóa.

Tiêm kích hạng nhẹ F-5E Tiger II có chiều dài: 14,45m; sải cánh: 8,13m; cao: 4,08m; vận tốc cực đại: Mach 1,6 (1.700km/h); tầm bay: 3.700 km; trần bay: 15.800 m; vận tốc lên cao: 175 m/s; trọng lượng cất cánh tối đa 11,1 tấn.

F-5E trang bị 7 giá treo (2 đầu mút cánh, 4 dưới cánh và 1 dưới thân - mang thùng dầu phụ) cho phép mang 3,2 tấn vũ khí.

Những loại tên lửa F-5E có thể mang bao gồm 4 tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9 hoặc tầm xa AIM-120; 2 tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick.

Bên cạnh đó chúng có thể mang theo 2 bệ phóng rocket LAU-61/68 với 19 đạn hoặc 2 bệ phóng LAU-5003 với 19 đạn hoặc 2 LAU-10 với 4 đạn 127mm hoặc 2 Matra với 18 đạn 68mm; hoặc nó có thể mang bom không điều khiển Mk80 series, bom chùm CBU, bom napan

Với hỏa lực cùng sự cơ động cao, tiêm kích F-5E được các chuyên gia Liên Xô đánh giá trong một số tình huống chiến đấu, loại máy bay này còn có sức chiến đấu nhỉnh hơn MiG-21 và cả MiG-23 sau này.