[ẢNH] Syria sẽ phải hứng chịu không kích quy mô chưa từng có vì Nga đã rút quân?

ANTD.VN - Thời điểm Mỹ đe dọa mở cuộc tấn công mới bằng tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk vào Syria được đưa ra khi chính quyền Damascus đang lâm vào tình thế rất khó khăn.

Theo các nguồn thông tin từ hiện trường, Hải quân Mỹ hiện đang dồn một lực lượng lớn với nhiều tàu chiến mang tên lửa hành trình Tomahawk tới Địa Trung Hải.

Mục đích của đợt tấn công này được cho là nhằm "dằn mặt" Quân đội chính phủ Syria (SAA) với một lý do quen thuộc là ngăn chặn sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.

Thời điểm của cuộc tấn công có thể diễn ra theo đánh giá là rất nhạy cảm, khi SAA đang chuẩn bị mở chiến dịch quân sự lớn tấn công vào cứ điểm tỉnh Idlib của quân nổi dậy.

Một vụ tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk có thể sẽ xóa sổ hoàn toàn năng lực tác chiến của SAA, hay chí ít cũng khiến cho lực lượng này phải dè chừng và trì hoãn cuộc tấn công.

Việc Mỹ chọn thời điểm hiện tại để đưa ra lời răn đe sẽ có hành động quân sự được cho là đã tính toán rất kỹ khi tình hình lúc này khác hẳn với hồi tháng 4.

Trong vụ oanh kích chớp nhoáng hồi tháng 4 năm nay, Mỹ chỉ tấn công giới hạn vào 3 mục tiêu mà gần như phía Syria đã đoán định trước và tiến hành sơ tán.

Một trong những nguyên nhân quan trọng của hành động trên đến từ những lời cảnh báo từ phía Nga, đó là Moskva sẽ không ngồi yên nếu binh sĩ của mình bị đe dọa tới tính mạng.

Chính vì dè chừng Nga nên trận không kích của Mỹ chỉ diễn ra với quy mô rất hạn chế và trên diện hẹp nhằm không gây leo thang căng thẳng quá mức.

Nhưng vào thời điểm hiện tại khi Nga đã rút phần lớn lực lượng không quân cũng như binh lính của mình về nước thì dự báo quy mô của trận không kích có thể sẽ rất lớn.

Giờ đây khi người Nga gần như chỉ còn co cụm lại với một số lượng nhỏ trong căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ hải quân Tartus thì Mỹ sẽ tránh được hầu hết nguy cơ đánh nhầm.

Do vậy gần như chẳng còn rào cản nào khiến họ phải chùn tay trong việc huy động sức mạnh tổng lực của cả hải quân lẫn không quân để mở cuộc không kích lớn chưa từng có.

Ngoài việc Nga đã rút quân, các lực lượng quân sự của Iran trên đất Syria cũng bị cho là đã di chuyển tới các vị trí đóng quân mới theo yêu cầu của Nga, họ sẽ khó mà hỗ trợ được cho SAA như trước kia nữa.

Lực lượng phòng không Syria trong suốt 4 tháng qua cũng hầu như không có thêm trang bị mang tính đột phá như tên lửa phòng không S-300 mà vẫn chỉ trông chờ vào các tổ hợp cũ.

Chiến thuật của lực lượng phòng không Syria có lẽ cũng theo đó mà ít hoặc không có cải tiến đáng kể, họ được dự báo vẫn ở thế bị động hoàn toàn nếu phải hứng chịu Tomahawk.

Để ngăn chặn cuộc tấn công có thể xảy ra thì không còn cách nào khác ngoài việc Nga phải can thiệp sâu, nhưng Moskva lại đang thể hiện rõ ý định muốn tránh sa lầy.

Bởi vậy rõ ràng phía Quân đội chính phủ Syria đang phải đứng trước một thách thức vô cùng lớn đe dọa làm tiêu tan thành quả chiến trường thu được suốt mấy tháng qua.