[ẢNH] Sức mạnh cơ bắp của không quân Nga tái triển khai tại Syria, Mỹ và đồng minh lo lắng

ANTD.VN - Sau khi rút bớt một phần khí tài thuộc không quân về nước, mới đây Nga tái triển khai hàng loạt vũ khí hiện đại tới chiến trường Syria, đây được đánh dấu sự trở lại của sức mạnh cơ bắp của không quân Nga để tăng cường hỗ trợ cho quân đội của Tổng thống Assad.

Sau thời gian rút bớt khi tài kể từ khi khủng bố IS sụp đổ, Nga đã bắt đầu tăng cường sự hiện diện thêm các loại vũ khí mới nhất tại chiến trường Syria. Sự trở lại mang theo sức mạnh cơ bắp của Nga khiến Mỹ không khỏi lo lắng.

Trang Southfront dẫn các nguồn tin ủng hộ Chính phủ Syria cho biết, trong đợt tăng cường lần này, Nga điều 4 chiếc tiêm kích đa năng Su-35 và 4 cường kích Su-25 được một máy bay Tu-154M tháp tùng đã hạ cánh xuống căn cứ Hmeymim.

Cùng với đó, một máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không A-50U (AEW&C) và 1 chiếc Tu-214R cũng đã được Không quân Nga triển khai tới căn cứ không quân này.

Ngoài các chủng loại máy bay đã đề cập ở trên thì Nga còn âm thầm gửi sang 2 chiếc chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57.

Hình ảnh được cho là tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga có mặt tại Syria.

Đây là điều tương đối gây ngạc nhiên vì chiếc Su-57 hiện vẫn còn trong tình trạng thử nghiệm, đánh giá tính năng, chưa thực sự hoàn thiện để có thể tham chiến, nhất là tại một địa bàn có khí hậu và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như Syria.

Trước sự điều động máy bay mới của Nga đến Syria, Giáo sư Vadim Kozyulin tại Học viện khoa học quân sự Nga nhận định, với cặp đôi "mắt thần" A-50U và Tu-214R xuất hiện tại Syria cho thấy Moscow đang áp dụng chiến thuật mới tại chiến trường này.

Giáo sư Vadim Kozyulin cho rằng, A-50U và Tu-214R của Nga sẽ thực hiện các nhiệm vụ trinh sát riêng biệt.

Theo ông Kozyulin, Tu-214R chịu trách nhiệm do thám quang - điện tử. Đặc biệt, với những lợi thế của mình, Tu-214R có khả năng xác định vị trí của lực lượng khủng bố trên mặt đất và báo về sở chỉ huy.

Trong khi đó, A-50U đảm nhận chức năng trinh sát tình báo tín hiệu (SIGINT). Đặc biệt, máy bay A-50U có thể giám sát không phận các nước láng giềng của Syria nhờ radar có tầm hoạt động 800 km và bám bắt được 300 mục tiêu cùng lúc.

Tính năng của A-50U được các chuyên gia quân sự đánh giá là không hề thua kém máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-3 Sentry của không quân Mỹ. 

Trong nhiệm vụ chỉ huy trên không, A-50U có thể chỉ huy tác chiến tới 10 máy bay chiến đấu gồm nhiều loại khác nhau. Nó được trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu trên không.

Thiết bị vô tuyến điện và thiết bị tác chiến điện tử của máy bay có khả năng trinh sát, phát hiện và chế áp điện tử rất mạnh, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ tác chiến trong trường hợp địch gây nhiễu điện từ mạnh.

Việc triển khai đồng loạt khí tài hiện đại cho thấy sự trở lại ngoạn ngục của không quân Nga không chỉ ở sức mạnh của vũ khí mà còn ở những bước đi chiến lược.

Có thể nói sự thể hiện xuất sắc của không quân Nga tại chiến trường Syria đã khiến phương Tây từ bất ngờ, cảm phục tới lo lắng.

Không quân Nga sau thời gian dài nằm im trong chiếc kén bảo vệ của hào quang quá khứ thời Liên Xô, nay họ đã bước ra ngoài với sức mạnh hoàn toàn có thể kế thừa sức mạnh của Không quân Liên Xô ngày nào.

Kể từ khi Liên Xô tan rã, Nga cũng tham gia vào 3 cuộc chiến tranh, cuộc chiến tranh tại Chechnya lần 1 (1996), lần 2 (1999) và cuộc chiến Gruzia (2005), tuy nhiên lúc này không quân Nga chỉ được sử dụng hạn chế.

Chỉ đến khi Nga bước chân vào cuộc chiến quốc tế chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại chiến trường Syria, không quân Nga mới được tung vào chiến trường một cách toàn diện.

Tuy quy mô không lớn nhưng Nga lại triển khai tất cả các loại khí tài mạnh nhất thuộc lĩnh vực không quân của mình.

Hầu hết các chủng loại máy bay mạnh nhất và mới nhất của không quân nước này đều tham gia vào các trận đánh.

Từ bộ ba máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3, Tu-95MS, Tu-160, cho đến các loại máy bay chiến thuật Su-24M3, Su-25, Su-27SM3, Su-30SM, Su-34, Su-35 cho tới MiG-29STM.

Các phi đội trực thăng tấn công bao gồm Mi-8, Mi-24, M-28, Mi-35, Ka-52, cùng các loại vận tải cơ IL-76, An-125 đều được tung vào cuộc chiến.

Các loại bom đạn và tên lửa mới nhất dành cho không quân cũng được Nga sử dụng.

Ngay cả bom nhiệt áp, loại vũ khí có sức mạnh đứng sau bom nguyên tử cũng được Nga dùng để hủy diệt các nhóm phiến quân khủng bố.

Những chiếc trực thăng tấn công đóng vai trò trong việc tìm diệt các xe tăng và xe thiết giáp cũng như phá tan phòng tuyến địch.

Bên trên là dòng chiến đấu cơ Su-35S quần thảo và tấn công phá hủy công sự địch bằng những loại vũ khí dẫn đường chính xác.

Hình ảnh căn cứ của phiến quân khủng bố bị máy bay Nga phá hủy.

Phi cơ Su-24 và Su-25 cùng phi công Nga tại chiến trường Syria.

Hình ảnh "mắt thần trên không" A-50U của không quân Nga.

Tuy không thể tránh khỏi những thiệt hại, tuy nhiên so với những gì không quân Nga đạt được, điều đó vẫn khiến cho danh tiếng của không quân Nga được nâng lên một tầm cao mới.

Vũ khí quân sự Nga vốn nổi tiếng về sức mạnh công phá nhưng lại bị chê điểm yếu về độ chính xác cao. Chiến trường Syria đã giúp Nga xóa bỏ định kiến này.

Sức công phá lớn, độ chính xác cao là những gì người ta nhận xét về không quân Nga ở thời điểm hiện tại.

Việc hiện diện của không quân Nga là sự bảo đảm cho chính quyền của Tổng thống Assad.

Nga luôn coi chính quyền của Tổng thống Syria hiện tại là đồng minh chiến lược và họ sẽ dùng mọi biện pháp để duy trì chính quyền hợp pháp này.

Sau khi IS bị tiêu diệt, các nhóm hồi giáo cực đoan lại nổi lên và sự đưa quân của Thổ Nhĩ Kỳ vào chiến trường Syria càng làm cho tình hình thêm phức tạp.

Israel vẫn tiếp tục các chiến dịch không kích quân đội Syria, điều này buộc Nga càng có những bước đi mạnh mẽ để bảo vệ đồng minh của mình.

Lợi ích của Nga gắn liền với sự hiện diện tại Syria, vì thế không quân Nga sẽ không bao giờ từ bỏ sứ mạng của mình là thiết lập lại trật tự cho Syria và bảo vệ chính quyền hợp pháp của Tổng thống Assad.