[ẢNH] Sự thật S-300 Syria chẳng thể khai hỏa khi tiêm kích Israel nằm trên không phận Lebanon

ANTD.VN - Lý do phổ biến nhất được đưa ra để giải thích tại sao tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 của Syria vẫn án binh bất động chính là tiêm kích Israel nằm ngoài tầm bắn của nó.

Trong đêm 11/1/2019, Không quân Israel lại một lần nữa tấn công vào kho vũ khí của Quân đội Syria nằm gần sân bay quốc tế Damascus và gây ra khá nhiều thiệt hại.

Bộ Quốc phòng Israel thông báo hành động của họ nhằm mục đích phá hủy chuyến hàng vũ khí mà Iran vừa tuồn sang cho lực lượng Hezbollah để chống lại họ.

Trong vụ oanh kích lần này của Israel, các khẩu đội tên lửa phòng không Syria như S-200 hay Pantsir-S1 đã cố gắng hết sức và phản ứng gần như tức thì để ngăn chặn tên lửa hành trình Israel.

Mặc dù vậy, phía Syria vẫn phải bất lực trước chiến đấu cơ Israel và không bảo vệ được an toàn cho mục tiêu trọng yếu, đây là kết cục đã được dự báo trước.

Tuy nhiên vấn đề được quân tâm nhất đó là tại sao tổ hợp S-300PM do binh lính Syria trực tiếp vận hành vẫn tiếp tục án binh bất động như vụ tấn công hôm 25/12/2018.

Điều đáng nói nữa đó là tính năng của tổ hợp S-300PM trong tay Quân đội Syria được đánh giá sánh ngang với S-400 bản xuất khẩu nhờ tích hợp các khí tài nội địa của Nga.

Giải thích thường gặp nhất về nguyên nhân S-300 Syria bất động là do tiêm kích Israel cách quá xa, tận không phận Lebanon để bắn tên lửa hành trình, cự ly bị cho là này nằm ngoài tầm với của tên lửa trang bị cho S-300.

Nhưng sự thực không phải như vậy, bởi vì khoảng cách từ vị trí mà tiêm kích Israel hay phóng tên lửa tới thủ đô Damascus của Syria được xác định chỉ vào khoảng trên 100 km.

Thậm chí nếu hướng xâm nhập là cao nguyên Golan thì cự ly này còn rút xuống 50 km, còn nếu từ miền Nam Lebanon thì khoảng cách cũng chỉ là 70 km mà thôi.

Trong khi đó S-300PM của Syria tối thiểu cũng được trang bị đạn đánh chặn 48N6E tầm bắn 150 km, hoặc cả phiên bản nâng cấp 48N6E2 tầm bắn 195 km.

Ngoài ra theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thì Moskva đã giao cho Damascus cả đạn đánh chặn 48N6E3 tầm xa 250 km, tức là quá thừa thãi để "vít cổ" F-16 Israel.

Mặc dù vậy, giới hạn lớn nhất đối với S-300PM của Syria vẫn là điều đã được nhắc đến từ lâu, đó chính là đường chân trời vô tuyến điện từ - điểm yếu chí tử của radar phòng không.

Khi phát hiện bị ngắm bắn thì tiêm kích Israel chỉ cần hạ độ cao xuống dưới ngưỡng là sẽ thoát hiểm, do radar hỏa lực của S-300 khó nhìn thấy vật thể bay thấp ở tầm 3.000 m cách xa quá 40 km, tức là nếu S-300PM của Syria có khai hỏa cũng chỉ phí đạn mà thôi.

Giải thích về hình thức tác chiến trên, chuyên gia Nga Oleg Kuptsov cho biết lúc này chỉ huy tên lửa phòng không thường nhún vai cho rằng khí tài không được thiết kế để hoạt động trong điều kiện như vậy.

Nhưng họ lại quên rằng đây chính là phương án phổ biến mà bên tấn công thường áp dụng, tức là những quảng cáo về tính năng độc nhất vô nhị hay không có đối thủ của S-300 chẳng khác gì lời khoác lác.