[ẢNH] Sự thật Nga không chế tạo tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay như DF-21D Trung Quốc

ANTD.VN - Hiện nay trong biên chế quân đội Nga thiếu vắng một vũ khí rất lợi hại đó là tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay tính năng tương tự như loại DF-21D của Trung Quốc, phải chăng năng lực của Moskva đang bị hạn chế trong lĩnh vực này?  

Ý tưởng về sử dụng tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay đã ra đời từ thời Liên Xô, tuy nhiên nó yêu cầu phải mang đầu đạn hạt nhân để đảm bảo xác suất tiêu diệt.

Cho nên khi Trung Quốc giới thiệu tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay mang đầu đạn thông thường DF-21D đã gây ra sự quan tâm lớn trong cộng đồng quân sự thế giới.

Vũ khí này của Trung Quốc được xem như độc nhất vô nhị, không có sản phẩm tương đương trên thế giới, đã qua mặt cường quốc tên lửa diệt hạm số 1 hành tinh chính là Nga.

Đã có dự đoán cho rằng sau khi Trung Quốc chế tạo vũ khí này thì sau vài năm người Nga cũng sẽ trình làng một phương tiện tương tự nhưng thực tế lại khác hẳn, phải chăng Nga thực sự bị Bắc Kinh bỏ lại phía sau.

Điều này là chưa chắc, bởi vì theo nhận xét của nhiều chuyên gia quân sự thì quân đội Nga đã có đủ những phương tiện cần thiết để khiến cho nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ không dám xâm phạm.

Sức mạnh lớn nhất của quân đội Nga là lực lượng hạt nhân chiến lược, họ nhiều lần tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu xảy ra tình huống nguy cấp.

Nếu biên đội tàu sân bay của Mỹ hoạt động gần lãnh hải Nga, tên lửa hạt nhân Nga sẽ ngay lập tức chĩa vào các thành phố lớn của Mỹ, cho nên cơ bản Moskva không phải lo ngại đến tàu sân bay Mỹ sẽ xâm phạm lãnh hải.

Tiếp theo, Nga không có nhu cầu xây dựng khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) tương tự như Trung Quốc, cho nên họ không cần vũ khí tối ưu hóa cho nhiệm vụ trên như tên lửa DF-21D.

Thứ ba, Nga và Mỹ hiện đang chịu ràng buộc bởi Hiệp ước tên lửa tầm trung INF. Cụ thể là các tên lửa có tầm bắn 1.000 - 2.000 km của họ sẽ bị phá hủy trong khi DF-21D lại thuộc trường hợp này.

Mặc dù vậy Nga cũng đang "lách luật" bằng cách tạo ra tên lửa KH-47M2 Kinzhal có khả năng diệt tàu sân bay, nó thực chất là tên lửa đạn đạo nhưng Nga lại xếp vào dạng tên lửa hành trình.

Cuối cùng, Nga không cần thiết phải chế tạo tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay khi họ sở hữu nhiều loại tên lửa hành trình chống hạm có chức năng tương đương.

Các tên lửa 3M54 Klibr, 3M55 Oniks hay các loại cổ hơn như P-1000 Vulkan hay P-700 Granit được trang bị đầu đạn lớn cũng như tầm bắn xa, sức mạnh chẳng hề thua kém DF-21D của Trung Quốc.

Mặc dù hiện nay trang bị vũ khí tính năng tương tự DF-21D không phải ưu tiên của Hải quân Nga, nhưng với tiềm lực của mình thì theo đánh giá họ đủ sức chế tạo loại có tầm bắn còn lớn hơn.

Dưới sức mạnh của những vũ khí có tính hủy diệt cao của Nga và Trung Quốc, biên đội tác chiến tàu sân bay Mỹ dự báo sẽ dần mất vị thế của kẻ thống trị các đại dương.