[ẢNH] Sự thật Ấn Độ mua 1700 xe tăng T-14 Armata và nỗi lo sợ của Trung Quốc

ANTD.VN - Trang Sina của Trung Quốc cho biết, có thể Ấn Độ sẽ mua số lượng cực lớn xe tăng T-14 Armata với tổng giá trị lên tới 4,5 tỷ USD, tuy nhiên giới quan sát cho rằng xe tăng T-14 Armata vẫn chưa hoàn thiện, chính Nga cũng chỉ sản xuất số lượng nhỏ, vì vậy không nhiều khả năng Ấn Độ sẽ xuống tiền mua dòng xe tăng đắt đỏ này.

Nếu như Su-57 là nét tinh hoa của không quân Nga thì xe tăng T-14 là niềm tự hào của lục quân nước này. Đây được coi là hai loại vũ khí chủ lực làm nền tảng sức mạnh của quân đội Nga trong tương lai.

T-14 Armata là một loại xe tăng chủ lực thế hệ thứ tư sở hữu khả năng cơ động tốt, bọc giáp chắc chắn cùng hệ thống hỏa lực mạnh mẽ được điều khiển bằng số hóa.

Tuy vậy cho đến thời điểm hiện tại T-14 Armata vẫn được cho là chưa hoàn thiện, Nga mới chỉ sản xuất hạn chế dòng xe tăng này.

Cho tới hết năm 2020 Nga mới chỉ có khoảng 100 chiếc xe tăng T-14 Armata. Số lượng quá ít ỏi so với tổng số gần 20.000 xe tăng các loại đang có trong biên chế quân đội Nga.

Trong số 20.000 xe tăng hiện đang biên chế và lưu trữ, phần lớn là xe tăng T-62, T-64, T-72 và T-80, cùng số ít xe tăng T-90. 

Chính vì vậy trong tương lai gần Nga sẽ phải thay thế hàng chục ngàn chiếc xe tăng phiên bản cũ không còn đáp ứng được yêu cầu trong chiến tranh hiện đại.

Việc Nga chỉ trang bị số lượng hạn chế xe tăng T-14 Armata được cho là ngoài vấn đề chi phí thì còn đó là vấn đề kỹ thuật vẫn chưa khắc phục.

Một số nhà phân tích đánh giá, trong cuộc chiến tại Syria, Nga đã đem tới 200 vũ khí mới các loại sang đây "thử lửa" bao gồm cả Su-35, Su-57, Ka-52, các dòng xe chiến đấu bộ binh mới, tuy nhiên tuyệt nhiên không có T-14 Armata.

Điều này cho thấy T-14 Armata vẫn chưa thực sự sẵn sàng chiến đấu. 

Không ít người cho rằng Nga phải bấm bụng sản xuất lô xe tăng T-14 Armata đầu tiên là để phô diễn và quảng bá cho sức mạnh quân đội cũng như xuất khẩu.

Lô tăng T-14 Armata đầu tiên sẽ được trang bị cho Trung đoàn xe tăng cận vệ số 1 thuộc Sư đoàn cơ giới hóa cận vệ số 2 mang tên Tamanskaya đồn trú ở ngoại vi Thủ đô Matxcơva và một phần ở Quân khu Phía Tây Nga.

Đây đều là những nơi có căn cứ quan trọng và mang tính cách "quảng bá" là chính, vì Nga muốn đánh tiếng rằng những "xe tăng cực mạnh" này sẽ được phân bổ ở những vị trí trọng yếu.

Một thông tin cũng rất đáng lưu ý rằng giữa năm 2018, Nga đã dừng sản xuất thêm T-14 Armata với lý do rằng "T-72 còn tốt và không nhất thiết phải sản xuất T-14".

Phó Thủ tướng Nga, ông Yuri Borisov thẳng thắn cho biết hôm 29-7-2018 rằng, "không nhất thiết phải trang bị xe tăng T-14 trong khi loại xe tăng T-72 vẫn đảm bảo năng lực chiến đấu". 

Đây là tuyên bố khá bất ngờ khi dòng xe tăng T-72 đã có hơn 30 năm tuổi và biến thể nâng cấp T-72B3 đang bị nghi ngờ chất lượng khi liên tục hỏng hóc trên thao trường.

Chính vì vậy việc T-14 Armata vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật chiến đấu sẽ khiến cho Ấn Độ khó lòng xuống tiền để mua số lượng lớn xe tăng này.             

Ấn Độ và Nga từng hợp tác phát triển dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 FGFA dựa trên nguyên mẫu Su T-50 (Sau này Nga phát triển thành Su-57).

Tuy nhiên Ấn Độ tuyên bố rút khỏi dự án tiêm kích tàng hình FGFA với Nga vào giữa năm 2018, New Delhi cho rằng loại tiêm kích này không đảm bảo được tính năng yêu cầu chiến đấu.

Việc Ấn Độ mạnh dạn rút chân ra khỏi dự án FGFA thì sẽ không có nhiều cơ hội để họ dấn tiếp vào thương vụ T-14 Aramta.

Chính vì vậy không ít người hoài nghi cho rằng việc trang Sina của Trung Quốc đưa thông tin về hợp đồng 1.700 chiếc T-14 Armata là sự lo xa thái quá từ phía truyền thông nước này.

Không thể phủ nhận T-14 Armata đã tạo nên cuộc cách mạng trong chế tạo xe tăng của Nga. Dòng xe tăng này mang triết lý thiết kế khác hẳn với trước đây.

Xe tăng Armata T-14 do công ty cơ khí Uralvagonzavod của Nga chế tạo. Nó chính thức được giới thiệu tới công chúng nhân dịp lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng năm 2015.

T-14 có trọng lượng 49 tấn, chiều dài 10m, chiều rộng 3,5m, chiều cao 3,3m. Chúng dự tính được dự tính trang bị động cơ diesel tăng áp với công suất 1.500 mã lực cho có tốc độ tối đa 80km/h.

Tầm hoạt động của xe tăng lên tới 500km. Nếu trang bị thùng xăng phụ tầm hoạt động có thể tăng lên tới 650km.

T-14 được trang bị pháo nòng trơn 2A82-1M cỡ 125mm có khả năng phóng tên lửa dẫn đường bằng laser 3UBK21 Sprinter có thể bay xa 12km.

Khẩu pháo 125 mm được trang bị trên một tháp pháo không người lái ở trung tâm của thân xe tăng T-14, được nạp đạn bằng hệ thống tự động. Pháo có thể bắn 12 viên/phút với nhiều loại đạn, gồm đạn xuyên giáp và pháo dẫn đường.

Ngoài ra, T-14 còn được trang bị súng máy Kord 12,7mm được điều khiển tự động cho hỏa lực mạnh mẽ. Bên cạnh đó là 1 khẩu súng máy đồng trục PKTM 7,62mm dùng khi cần thiết.

T-14 còn được trang bị lớp giáp phản ứng nổ (ERA) Malachit, có thể giảm 50% khả năng xuyên phá của đạn chống tăng hiện tại.

T-14 được trang bị Hệ thống Phòng thủ Chủ động Afganit gồm 2 cơ chế phòng thủ cứng và mềm nhờ radar mảng pha chủ động (AESA) tiên tiến giúp nó bao quát xung quanh và cảnh báo khi bị tên lửa tấn công.

Cơ chế "phòng thủ mềm" được sử dụng để đánh lừa tên lửa. Ngay sau khi radar AESA phát hiện tên lửa đang bay tới, 4 quả lựu đạn khói đa quang phổ lập tức được phóng ra. 

Do ứng dụng nhiều công nghệ mới nên T-14 Armata sẽ cần nhiều thời gian và tiền bạc để hoàn thiện nhằm có thể xông pha trên chiến trường.

Nga cần một ít thời gian và tiền bạc nữa để hoàn thành cỗ xe tăng đáng sợ này. Một khi hoàn thiện xong, T-14 Armata sẽ là dòng xe tăng đáng sợ nhất thế giới.