[ẢNH] Su-57 Nga biểu dương lực lượng hoành tráng nhưng vẫn... kém xa Mỹ

ANTD.VN - Hiện nay Không quân Nga mới chỉ có trong biên chế tổng cộng 11 mẫu thử T-50 của tiêm kích tàng hình Su-57 và chưa có máy bay sản xuất hàng loạt nào, bởi vậy họ khó lòng thực hiện những màn diễu binh gây ấn tượng mạnh như Mỹ.

Hiện nay trên thế giới mới có duy nhất Mỹ là quốc gia thực hiện được những màn diễu binh "Voi đi bộ" quy mô cực kỳ hoành tráng với tiêm kích tàng hình thế hệ 5.

Các dòng tiêm kích tàng hình đã được Mỹ huy động tham gia những cuộc biểu dương lực lượng trên bao gồm F-22A Raptor và F-35A Lightning của không quân cùng với F-35B thuộc biên chế thủy quân lục chiến.

Trong mỗi cuộc diễu binh này, Mỹ thường huy động từ trên 20 cho tới 36 máy bay tàng hình, bằng số lượng tiêm kích thế hệ 5 của nhiều quốc gia khác cộng lại.

Ngoài Mỹ ra thì có lẽ lúc này chỉ Trung Quốc là đủ lực để tiến hành cuộc biểu dương lực lượng quy mô tương tự khi họ đã sản xuất và biên chế cho không quân hơn 20 tiêm kích tàng hình Chengdu J-20.

Còn đối với Nga, quá trình sản xuất hàng loạt tiêm kích thế hệ 5 Sukhoi Su-57 mặc dù đã được khởi động nhưng vẫn diễn ra với tốc độ vô cùng chậm chạp.

Dự kiến nếu mọi việc tiến triển tốt đẹp thì phải tới đầu năm 2020 lực lượng không quân - vũ trụ của nước này mới nhận được chiếc tiêm kích Su-57 đầu tiên.

Điều này đã khiến cho nhiều người suy nghĩ rằng, phải một thời gian khá lâu nữa thì những chiếc Su-57 mới có thể tập hợp được đội hình lớn để biểu diễn.

Thế nhưng thật bất ngờ khi mới đây báo chí Nga đa đăng tải bức ảnh 6 chiếc Su-57 cùng lúc cất cánh để bay kèm chiếc chuyên cơ Il-96 của Tổng thống nga Vladimir Putin.

Đây chính là lần tập trung lực lượng lớn nhất của Su-57 vì trước kia chỉ đơn lẻ từng máy bay cất cánh, hay như khi triển khai tại Syria hoặc bay qua quảng trường Đỏ nhân dịp duyệt binh cũng chỉ là biên đội 2 chiếc mà thôi.

Mặc dù đây được xem là một nỗ lực rất lớn của không quân Nga nhưng nếu như đặt cạnh những màn biểu dương lực lượng của tiêm kích tàng hình Mỹ thì dễ dàng nhận thấy khoảng cách là rất lớn.

Điều này chẳng có gì khó hiểu khi số lượng tiêm kích thế hệ 5 Su-57 mà Nga có thể tập hợp lại lúc này chỉ bằng 1/4 hoặc 1/6 so với Mỹ.

Không chỉ thua về hình ảnh khi lăn bánh trên đường băng, ngay cả khi đã tung cánh trên bầu trời thì biên đội Su-57 trên của Nga cũng chẳng thể nào đọ được về độ hoành tráng so với Mỹ.

Người Nga sẽ còn phải làm rất nhiều việc nếu như muốn khẳng định rằng mình vẫn là một thế lực đủ sức thách thức ngôi vị bá chủ toàn cầu của không quân Mỹ.

Thậm chí nếu không nhanh chân, nguy cơ Nga bị tụt lại phía sau so với cả Trung Quốc là điều đã được báo trước.