[ẢNH] Su-57 bị tiêm kích Mỹ "dìm hàng" không thương tiếc về tính năng tàng hình

ANTD.VN - Một trong những nguyên nhân chính khiến Ấn Độ chấm dứt dự án tiêm kích tàng hình FGFA hợp tác với Nga là do máy bay có diện tích phản xạ radar quá cao, tuy nhiên điểm yếu này còn được phát hiện trên cả nguyên mẫu Su-57.

Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga được nước này quảng cáo là vượt trội cả F-22 lẫn F-35 của Mỹ nhờ khả năng lẩn tránh sóng radar, thao diễn linh hoạt và được trang bị những vũ khí mạnh mẽ.

Tuy nhiên việc Nga liên tiếp lùi thời hạn sản xuất hàng loạt Su-57 đã cho thấy trước mắt họ còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Cú sốc lớn nhất đối với người Nga chính là việc Ấn Độ hủy bỏ chương trình tiêm kích FGFA được thiết kế dựa trên Su-57 với lý do máy bay có diện tích phản xạ radar quá cao.

Mặc dù người Nga đổ lỗi cho Ấn Độ rằng chính yêu cầu mở rộng buồng lái lên 2 chỗ ngồi đã dẫn tới "thảm họa" trên, nhưng điểm yếu đó còn được phân tích rằng tồn tại ngay cả trên chiếc Su-57 của họ.

Chi tiết đầu tiên khiến diện tích phản xạ radar của Su-57 tăng cao là phần kết nối cánh với thân không thực sự gọn gàng, thậm chí phần cánh nâng phụ và cánh tà phía sau cũng tồn tại nhược điểm trên.

Phần đuôi đứng của Su-57 với thiết kế hơi nghiêng sang bên cũng được cho là sẽ làm tăng diện tích phản xạ radar, bên cạnh đó thì độ dày cánh đuôi cũng tương đối lớn.

Tiếp theo, kết quả giả lập trên máy tính cho thấy mặt cắt chính diện của chiếc Su-57 không thực sự có tác dụng trong việc tán xạ sóng radar.

Phần mũi của chiếc Su-57 cũng bị đánh giá là không thực sự "trơn tru", sẽ làm cho sóng radar dễ bị phản xạ lại nhiều hơn khi đặt cạnh thiết kế dốc và xiên của F-22 cũng như F-35.

Công nghệ chế tạo khung vỏ của Su-57 theo đánh giá là tương đối lạc hậu, máy bay vẫn bị lộ nhiều chi tiết ghép nối bằng đinh tán có cạnh sắc nhọn.

Trong khi đó các tiêm kích thế hệ 5 của Mỹ, thậm chí cả chiếc J-20 của Trung Quốc đã được phủ "lớp da" tàng hình giúp ngăn chặn triệt để sóng phản xạ lại nguồn phát.

Động cơ của Su-57 cũng là một nguyên nhân khiến máy bay dễ bị phát hiện bởi các phương tiện trinh sát hồng ngoại của đối phương.

Trong lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, bộ đôi tiêm kích Su-57 được nhìn thấy vẫn sử dụng động cơ cũ AL-41F1S vốn là khí tài lắp cho Su-35.

Động cơ này không có khả năng che giấu tín hiệu nhiệt, khiến Su-57 sẽ bị hiện rõ mồn một trên màn quan sát của khí tài quang học đối phương.

Ngoài ra động cơ tiêm kích thế hệ 4 còn không thể giúp Su-57 bay hành trình với vận tốc siêu âm, yêu cầu tiên quyết và cực kỳ quan trọng đối với chiến đấu cơ thế hệ 5.

Như vậy, trước mắt người Nga vẫn còn rất nhiều việc phải làm mới hy vọng có thể sớm đưa chiếc chiến đấu cơ thế hệ 5 nội địa của mình bước sang giai đoạn sản xuất hàng loạt.