[ẢNH] Siêu tàu đổ bộ tấn công Australia sắp thăm Việt Nam mạnh đến mức nào?

ANTD.VN - Trong khuôn khổ hoạt động Nỗ lực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2019 (IPE19) của lực lượng quốc phòng Australia, tàu hải quân hoàng gia HMAS Canberra (L02) sẽ thăm cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa từ ngày 7 - 10/5/2019.

IPE19 là hoạt động thường niên nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong khu vực của Australia. Đồng thời tăng cường cam kết của họ, hướng tới một khu vực an ninh và hòa bình cũng như xây dựng quan hệ đối tác đa phương và song phương nhằm hỗ trợ mục tiêu này.

Chương trình hoạt động tại Việt Nam của IPE19 bao gồm chuyến thăm của tàu HMAS Canberra và HMAS Newcastle, cũng như có sự tham dự của các lực lượng đến từ lục quân, hải quân và không quân hoàng gia Australia.

Tàu đổ bộ mang trực thăng (LHD) lớp Canberra với chiếc đầu tiên cùng tên mang số hiệu L02 chính là chiến hạm mặt nước lớn nhất hiện nay trong biên chế hải quân hoàng gia Australia.

Tàu đổ bộ HMAS Canberra của hải quân Australia được thiết kế dựa trên nguyên mẫu tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Juan Carlos I của hải quân Tây Ban Nha.

Theo hợp đồng thi công xây lắp, 25% khối lượng sẽ được thực hiện tại Australia, còn nhà máy đóng tàu Navantia của Tây Ban Nha sẽ hoàn thành 75% công việc. 

Sau khi hạ thủy và lắp đặt các thiết bị cơ bản tại Tây Ban Nhà, tàu được kéo đến Australia để hoàn thành nốt công việc còn lại, HMAS Canberra chính thức phục vụ trong hải quân Australia từ cuối năm 2014.

Thông số cơ bản của chiếc HMAS Canberra bao gồm chiều dài 230,82 m; chiều rộng 32 m; mớn nước 7,08 m; lượng giãn nước tiêu chuẩn 27.500 tấn, đầy tải 30.300 tấn.

Tàu được trang bị hệ thống động lực kết hợp gồm 2 động cơ diesel MAN 16V32/40, 1 động cơ turbine khí GE LM2500 và 2 chân vịt bầu xoay (azimuth thrusters) Siemens.

Hệ thống động lực trên cho tốc độ tối đa 20 hải lý/h (37km/h), tốc độ kinh tế 15 hải lý/h (28 km/h); tầm hoạt động 9.000 hải lý (17.000 km) khi chạy với tốc độ kinh tế.

So với những tàu đổ bộ chở trực thăng khác, chiếc HMAS Canberra giống với tàu sân bay hơn cả khi có phần boong được thiết kế với đường cất hạ cánh kiểu nhảy cầu.

HMAS Canberra có khả năng triển khai hoạt động như một tàu sân bay nhỏ với các máy bay phản lực cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh ngắn như AV-8 Harrier hoặc F-35B.

Boong tàu đủ chỗ cho 6 trực thăng hoạt động cùng lúc, nhà chứa máy bay đủ chỗ cho 16 trực thăng hạng nặng hoặc lên tới 24 trực thăng hạng trung và hạng nhẹ.

Theo yêu cầu từ hải quân Australia, tàu HMAS Canberra phải có khả năng chuyên chở 1.000 lính thủy đánh bộ cùng 150 xe bọc thép các loại, bao gồm cả các xe tăng M1A1 trong biên chế lục quân Australia.

Ngoài hoạt động ở phía Nam bán cầu, hải quân Austrlia còn cho biết họ sẵn sàng tung lực lượng hỗ trợ đồng minh Mỹ nếu xảy ra tình huống xung đột ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.