[ẢNH] Sau Su-30MKK, Trung Quốc chuẩn bị loại Su-30MK2 khỏi đơn vị chủ lực?

ANTD.VN - Tiêm kích đa năng Su-30MK2 từng có một thời gian giữ vai trò chủ lực của Không quân Trung Quốc trước khi bị soán ngôi bởi các chiến đấu cơ nội địa.

Trang thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng Trung Quốc vừa đăng tải hình ảnh về cuộc huấn luyện ngày 6/1 của trung đoàn không quân hải quân đóng tại tỉnh Chiết Giang, đây là đơn vị được biên chế các tiêm kích đa năng Su-30MK2.

Vào năm 1999, Trung Quốc đã đặt hàng lô chiến đấu cơ Su-30MKK đầu tiên, 38 chiếc này được giao trong giai đoạn 2000 - 2001, giá trị hợp đồng ước tính 1,5 - 2 tỷ USD.

Ngay trong năm 2001, Trung Quốc lại ký hợp đồng 2 tỷ USD nữa để mua thêm 38 chiếc Su-30MKK tiếp theo, việc giao hàng diễn ra trong hai năm 2002 và 2003.

Đơn hàng mua Su-30 cuối cùng là phiên bản nâng cấp Su-30MK2 để trang bị cho Không quân Hải quân Trung Quốc (PLANAF), hợp đồng ký năm 2003, PLANAF đã nhận đủ 24 chiếc vào năm 2004.

So sánh với Su-30MKK của không quân thì Su-30MK2 của Hải quân Trung Quốc có màu sơn sáng hơn, đồng thời nắp chụp radar của nó được sơn màu trắng thay vì xám như Su-30MKK.

Trong khoảng 10 năm, các tiêm kích Su-30MK2 này chính là máy bay chiến đấu mạnh nhất của cả Không quân lẫn Không quân Hải quân Trung Quốc, đảm nhiệm tốt cả vai trò chiếm ưu thế trên không lẫn tấn công mặt đất - mặt biển.

Tuy nhiên sau đó không lâu, nhất là từ thập niên 2000 trở lại đây thì ngành công nghiệp hàng không quân sự Trung Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc.

Dựa trên thiết kế Su-27SK Flanker của Nga, Trung Quốc đã sao chép và cải tiến để cho ra đời các biến thể J-11A/B/D với tính năng ngày càng hoàn thiện và được đánh giá đã vượt xa bản gốc.

Chưa dừng lại đó, dựa trên ý tưởng của Su-30MK2, các kỹ sư hàng không Trung Quốc đã căn cứ vào đó để cho ra đời chiếc tiêm kích đa năng hai chỗ ngồi có mã định danh J-16.

J-16 cũng là một tiêm kích hạng nặng hai chỗ ngồi, đảm nhiệm vai trò chiến đấu cơ đa năng tương tự như Su-30MK2 nhưng theo quảng cáo của Trung Quốc thì máy bay của họ mạnh hơn nhiều.

Cụ thể, J-16 được lắp động cơ WS-10 nội địa có lực đẩy lớn hơn loại AL-31F, hệ thống điện tử hàng không xoay quanh radar mảng pha quét chủ động (AESA) mang lại ưu thế lớn so với radar thụ động (PESA) N001 VEP của Su-30MK2.

Bên cạnh đó do là máy bay Trung Quốc sản xuất trong nước nên nó được lắp các thiết bị thông tin liên lạc phù hợp với mạng lưới của riêng họ nhằm đảm bảo nguyên tắc bí mật.

Với những ưu thế trên, J-16 có thể phối hợp tác chiến rất tốt cùng những loại tiêm kích nội địa khác cũng như tạo thuận tiện cho công tác đảm bảo hậu cần - kỹ thuật.

Ngoài ra sau hơn 15 năm khai thác với tần suất sử dụng gần 300 giờ/năm, dự trữ tuổi khung của những chiếc Su-30MK2 này (3.000 giờ bay) đã gần hết.

Chính vì vậy khả năng rất cao là Trung Quốc sẽ sớm thay thế phi đội Su-30MK2 tại Chiết Giang này bằng tiêm kích nội địa J-16, số Su-30MK2 sẽ được đại tu và rút về tuyến sau cho những đơn vị đóng ở địa bàn không phải trọng yếu.

Trước đó Không quân Trung Quốc đã làm điều tương tự với các tiêm kích Su-30MKK thuộc biên chế Lữ đoàn không quân số 9 - Chiến khu Đông bộ.