[ẢNH] S-300PM Syria bất động vì lo ngại bị tiêm kích Israel phá hủy như Pantsir-S1?

ANTD.VN - Một lần nữa các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PM của Quân đội chính phủ Syria lại "tàng hình" khi tiêm kích Israel đánh phá Damascus, nguyên nhân là do đâu?

Các hãng thông tấn khu vực Trung Đông cho biết, vào giữa trưa ngày 20/1, nhiều máy bay chiến đấu của Không quân Israel đã tiến hành một đợt oanh kích dữ dội vào khu vực phía Nam thủ đô Damascus.

Việc Không quân Israel lần đầu tiên tấn công vào ban ngày chắc chắn sẽ gây bất ngờ, nhưng bù lại nó cũng giúp cho lực lượng phòng không Syria gặp nhiều thuận lợi hơn khi đánh trả.

Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria tuyên bố các khẩu đội tên lửa phòng không Buk-M2E và Pantsir-S1 đã tích cực đánh chặn và tiêu diệt thành công một số đạn đối đất mà máy bay Israel phóng đi.

Tuy nhiên hiệu quả thực chiến của Buk-M2E cũng như Pantsir-S1 có đúng như những gì Quân đội Syria quảng cáo hay không thì vẫn cần thêm thời gian để kiểm nghiệm, do họ chưa đưa ra bằng chứng thuyết phục.

Trong khi đó Không quân Israel ngay lập tức đưa ra hình ảnh chứng minh họ đã phá hủy thành công một tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 của Quân đội Syria.

Đây rõ ràng là một tổ hợp Pantsir-S1 khác, không phải hệ thống đã bị tiêu diệt cách đây ít lâu vì vị trí đạn tấn công của Israel tiếp cận khác biệt hoàn toàn.

Như vậy Không quân Israel đã thực hiện đúng những gì mà lực lượng này vẫn đanh thép tuyên bố, đó là sẽ phá hủy hệ thống phòng không Syria nếu chúng gây hại cho đợt tấn công của họ.

Tel Aviv từng khuyến cáo Damascus rằng những trận ném bom của họ chỉ nhằm tiêu diệt Quân đội Iran và các nhóm vũ trang được Tehran hậu thuẫn chứ chẳng phải SAA.

Nếu tên lửa phòng không Syria không tham chiến thì chúng sẽ được an toàn, còn trong trường hợp có động thái gây hại cho tiêm kích hay tên lửa của Israel thì chắc chắn sẽ trở thành đối tượng tấn công.

Trong vụ oanh kích vừa qua, có thể sau khi nhận thấy Pantsir-S1 đã tham chiến và gây khó khăn cho tốp tiêm kích Israel thì một chiếc máy bay không người lái tự sát Harop đang hoạt động gần đó đã nhận lệnh tiêu diệt.

Hình ảnh ghi lại cho thấy rõ ràng là xuất phát từ camera quang điện gắn ở phần mũi chiếc UAV này, hơn nữa tốc độ của nó khá chậm và độ ổn định không bằng tên lửa Delilah càng khẳng định vũ khí được sử dụng chính là Harop.

Vấn đề tiếp theo thu hút sự quan tâm của báo giới nằm ở việc tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PM của Quân đội Syria vẫn án binh bất động, chẳng có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy nó đã tham chiến.

Ngoài những lý do quen thuộc như chưa thực sự làm quen khí tài, không kịp phản ứng khi tiêm kích Israel bất ngờ xuất hiện và tung đòn tấn công tầm xa thì còn một nhận định khác cũng rất đáng lưu tâm.

Đó chính là kíp trắc thủ điều khiển hệ thống tên lửa phòng không S-300PM của Syria đã chủ động tránh giao chiến do lo ngại mình sẽ trở thành mục tiêu trực tiếp của Không quân Israel.

Với hàng loạt UAV Harop liên tục lượn lờ trên bầu trời, chúng lại có khả năng bay cực thấp và diện tích phản xạ radar rất nhỏ thì sẽ rất khó khăn để S-300 Syria nhận biết chứ chưa nói đến việc đánh chặn.

Nếu ý kiến phân tích trên chính xác thì vai trò của S-300PM trong Quân đội Syria rõ ràng quá mức nhạt nhòa, nó giống như một món đồ trang trí nhiều hơn là "vũ khí thay đổi cuộc chơi" như những gì Nga từng quảng cáo.