[ẢNH] "Quái thú" Pantsir-S1, chiến công và sự thực nghiệt ngã tại Syria

ANTD.VN - Dù được đánh giá cao về khả năng đánh chặn nhưng hơn 40 tổ hợp Pantsir-S1 của Syria cũng không đủ để giúp nước này ngăn chặn các máy bay chiến đấu của Israel.

Trong số những hệ thống phòng không nổi tiếng tại chiến trường Syria thì Pantsir-S1 đứng hàng đầu. Năng lực đánh chặn mục tiêu của Pantsir-S1 theo báo cáo của Nga và Syria lên tới khoảng 90%.

Thậm chí chúng còn vượt ra ngoài danh tiếng của hệ thống phòng không tầm xa S-400.

Chưa dừng lại ở đó hệ thống Pantsir-S1 còn được đặt làm vệ sĩ bảo vệ cho S-400.

Trong các cuộc tấn công của liên quân vào Syria, Pantsir-S1 cũng đứng hàng đầu về khả năng đánh chặn và được cả Nga và Syria ca ngợi.

Thậm chí Nga còn tự hào rằng hệ thống đánh chặn tầm gần này của họ đứng hàng đầu thế giới hiện nay.

Nhưng, sau khi những lời ca ngợi có cánh đi qua và khả năng bắn chặn những mục tiêu dễ dàng thì Pantsir-S1 lại đang tỏ ra yếu ớt trước các đòn đánh của Israel.

Tuy là một hệ thống phòng không tầm thấp nhưng theo như thông số thiết kế Nga công bố, Pantsir-S1 hoàn toàn có thể với tới những chiến đấu cơ cánh bằng bay ở độ cao 15km.

Điều này có nghĩa rằng trần bay của các máy bay tiêm kích Israel như F-15 và F-16 hoàn toàn nằm trong tầm với của hệ thống này.

Ngoài các tên lửa dùng để đánh chặn máy bay tầm cao thì hệ thống pháo 30mm hoàn toàn có thể xử lý các trực thăng bay thấp, UAV hay thậm chí là tên lửa hành trình.

Một màn đạn dày đặc đủ sức hạ thủ bất cứ chiếc UAV nào.

Pantsir-S1 (tên ký hiệu NATO SA-22 Greyhound) là một tổ hợp tên lửa - pháo phòng không tầm thấp hiệu quả.

Pantsir-S1 được phát triển vào năm 1994, chính thức đi vào trang bị trong quân đội Nga từ năm 2003.

Hệ thống Pantsir-S1 thiết kế với 2 pháo cao tốc 2A38M 30mm và 12 tên lửa phòng không tầm thấp 57E6.

Trong đó pháo 2A38M có tốc độ bắn tối đa 2.500 phát/phút, tầm bắn tối đa 4km, tầm cao tối đa 3km.

Tên lửa đối không tầm ngắn 57E6 nặng 90kg, dài 3,2m, lắp đầu đạn nổ phân mảnh nặng 20kg.

Tên lửa kết cấu với 2 tầng động cơ nhiên liệu rắn cho phép đạt tốc độ hành trình 1.300m/s.

Tầm bắn 20km và diệt mục tiêu độ cao 15km.

Với độ cao này không những Pantsir-S1 có thể diệt được UAV, trực thăng mà còn cả máy bay cánh bằng đang bổ nhào cắt bom hoặc nghiên mình để phóng rocket.

Pantsir-S1 trang bị radar điều khiển hỏa lực băng tần kép 1RS2 khả năng hoạt động trong dải tần UHF và EHF bước sóng mm hoặc cm.

Tầm trinh sát của 1RS2 khoảng 30km, theo dõi mục tiêu từ cự ly 24km.

Hệ thống radar này có thể theo dõi cùng lúc 20 mục tiêu và tiêu diệt đồng thời 2 mục tiêu trong số đó.

Hình ảnh trên màn hình quan sát của hệ thống Pantsir-S1.

Các tên lửa của hệ thống này nhanh chóng phóng đi ngay sau khi khóa được đối thủ.

Và mục tiêu nhanh chóng bị hạ.

Công bằng mà nói hệ thống Pantsir-S1 vẫn có những sức mạnh vượt trội.

Bằng chứng cho thấy rằng đã có hàng trăm mục tiêu bị phơi xác bởi hệ thống Pantsir-S1 tại Syria.

Nhưng đó là thời kỳ đầu cuộc chiến, cho đến khi Israel áp dụng những chiến thuật khôn ngoan hơn thì Pantsir-S1 không những không tiêu diệt được đối phương mà còn bị tiêu diệt lại.

Có thể nói, chính năng lực tác chiến của các kíp trắc thủ Syria là nguyên nhân chính khiến hệ thống này dường như đang vô dụng trước các đòn đánh của Israel.

Thậm chí các hệ thống phòng không Syria còn bắn loạn xạ ngay cả khi không có cuộc tấn công nào từ phía Israel.

Vì vậy dù có vũ khí tốt thế nào chăng nữa thì kíp vận hành không đủ kỹ năng cũng sẽ bất lực trước các đòn đánh của đối phương.

Pantsir-S1 đang trở thành "người anh hùng bi tráng của Nga" trên đất Syria.