[ẢNH] Qatar hủy mua S-400 sau khi ký hợp đồng cực lớn sắm tên lửa Mỹ

ANTD.VN - Tưởng như Qatar sẽ là quốc gia tiếp theo đặt mua tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 của Nga, nhưng cuối cùng họ lại lựa chọn sản phẩm do Mỹ sản xuất.

Hồi đầu năm 2018, hãng thông tấn TASS thông báo, Qatar - quốc gia nhỏ bé nằm ở phía Đông Bắc bán đảo Arab đang bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới hệ thống tên lửa phòng không tầm xa tối tân S-400 Triumf của Nga.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin TASS, Đại sứ Qatar tại Nga, ông  Fahad bin Mohammed Al-Attiyah thông báo rằng quốc gia Trung Đông này muốn mua các hệ thống phòng không S-400.

Trước đó vào đầu năm 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng cho biết giữa Moskva và Doha sẽ ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác quân sự quy mô lớn.

Nga và Qatar được liên kết với nhau bởi mong muốn chung của họ đối với nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, cũng như chia sẻ nhiều quan điểm chung về chính sách đối ngoại.

Đồng thời Qatar cũng đang muốn tìm đến một đối tác khác khi mà họ đang phải chịu các biện pháp cấm vận và phong tỏa ngoại giao từ các nước láng giềng.

Mặc dù vậy, Qatar lại có liên kết về quân sự và kinh tế với Mỹ chặt chẽ hơn nhiều, khi bị Washington đe dọa áp dụng Đạo luật CAATSA để trừng phạt thì Doha cảm thấy không thể mua S-400 được nữa.

Mới đây nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Mỹ là công ty Raytheon thông báo, họ đã được nhà nước Qatar trao cho 2 hợp đồng mua sắm hệ thống phòng không và tên lửa tích hợp giá trị lớn.

Các hợp đồng trị giá khoảng 2,2 tỷ USD bao gồm hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến AMRAAM Extended Range (AMRAAM-ER - bản nâng cấp của NASAM) và số lượng đơn vị hỏa lực Patriot bổ sung không xác định.

Hợp đồng mới ký kết là một phần của thỏa thuận lớn hơn đang được chính phủ Qatar theo đuổi với phía Mỹ. Giá trị kết hợp dự kiến sẽ lên tới trên 3 tỷ USD.

Quan chức cấp cao của Raytheon, ông Ralph Acaba cho biết hệ thống phòng không của họ đã chứng minh được năng lực qua quá trình chiến đấu, khi bảo vệ người dân, binh lính và cơ sở hạ tầng khỏi hàng loạt mối đe dọa.

Qatar là quốc gia đầu tiên mua AMRAAM-ER - biến thể tăng tầm của tên lửa AIM-120 AMRAAM. Qatar cũng là đối tác thứ 11 mua sắm NASAM - một hệ thống phòng không tầm trung do Raytheon và Kongsberg Defense & Aerospace AS sản xuất.

NASAM là hệ thống phòng không được sử dụng rộng rãi nhất trong khối NATO, tổ hợp có kết cấu nhỏ gọn, thời gian phản ứng nhanh, dễ dàng triển khai, thu hồi cũng như thay đổi trạng thái chiến đấu.

Trong khi đó các biến thể Patriot chính là xương sống của lưới lửa phòng không tại 16 quốc gia. Kể từ lần đầu tiên được đưa vào sử dụng, Patriot đã thực hiện vô số cuộc giao chiến chống lại máy bay có và không người lái, tên lửa hành trình cũng như tên lửa đạn đạo chiến thuật.

Kể từ tháng 1/2015, Patriot đã chặn hơn 100 tên lửa đạn đạo trong các hoạt động chiến đấu trên toàn thế giới, nó vẫn là hệ thống phòng thủ tên lửa duy nhất đã chứng minh được năng lực qua thực chiến.

Thông qua hợp đồng mua sắm tên lửa phòng không cực lớn vừa được Qatar ký kết với Mỹ thì đã đủ cơ sở để khẳng định rằng Nga không còn hy vọng bán S-400 Triumf cho Doha nữa.