[ẢNH] Phòng vệ plasma cho xe tăng Nga: Đột phá công nghệ hay quảng cáo quá lời?

ANTD.VN - Nga vừa công bố nguyên lý hoạt động của hệ thống phòng vệ chủ động mới cho xe tăng, thiết giáp do nước này sản xuất, đáng chú ý là nó sẽ dùng plasma để phóng đạn đánh chặn.

Hiện nay xu hướng trang bị cho xe tăng, thiết giáp các hệ thống phòng vệ chủ động (APS) "cứng" thay cho "mềm" đang là xu thế rất thịnh hành trên thế giới.

Nguyên lý hoạt động của các hệ thống APS đều tương tự nhau, đó là dùng radar hoặc cảm biến quét xung quanh xe nhằm phát hiện các mối nguy cơ.

Khi radar của hệ thống APS phát hiện đạn chống tăng bay tới thì máy tính đạn đạo sẽ tính toán quỹ đạo và thời gian rồi ra lệnh phóng đạn đánh chặn để vô hiệu hóa vũ khí diệt tăng của đối phương.

Hình thức vô hiệu hóa đạn chống tăng rất phong phú, có thể là dùng mảnh đạn, áp lực khí thuốc hay bột kim loại nhằm bắn rơi đầu đạn của kẻ địch.

Hiện tại các xe tăng chiến đấu chủ lực bao gồm M1 Abrams của Mỹ hay Merkava Mk IV do Israel sản xuất bắt đầu được trang bị đại trà hệ thống APS Trophy.

Trong khi các xe thiết giáp chở quân Stryker thì lại tin dùng Iron Curtain với ưu tiên bảo vệ an toàn cho lính bộ binh, vì hệ thống này có mức độ sát thương nhỏ hơn.

Đối với Nga, mặc dù từng là quốc gia đi tiên phong trong lĩnh vực chế tạo các hệ thống phòng vệ chủ động cho xe tăng nhưng đáng tiếc là chưa có loại nào được trang bị đại trà.

Xuất phát từ các hệ thống Drozd tích hợp cho xe tăng T-80, rồi tới Arena trang bị được cả trên xe chiến đấu bộ binh, hay Afghanit đang thử nghiệm trên T-14 Armata là một chặng đường dài.

Rất bất ngờ khi mới đây Nga lại công bố dự án chế tạo một hệ thống phòng vệ chủ động mới sử dụng nguyên lý plasma để phóng đạn đánh chặn thay vì dùng thuốc nổ như truyền thống.

Hệ thống APS này sẽ dùng xung điện tạo plasma để khí hóa một khối vật chất đặc. Khí sinh ra nóng tới 30.000 độ K sẽ đẩy đầu đạn đi. Mạch điện cho phép tạo xung điện ở điện thế khá thấp.

Công nghệ trên giúp nâng cao độ ổn định vì độ giật giảm đi rất nhiều do không còn tác dụng của thuốc phóng, nhưng đòi hỏi công nghệ vật liệu chế tạo nòng phải rất cao vì nhiệt lượng sinh ra cực lớn.

Nếu thành công thì hệ thống phòng vệ chủ động này sẽ tạo ra bước đột phá công nghệ, khiến cho Nga không những đuổi kịp mà còn vượt trước phương Tây rất xa trên lĩnh vực chế tạo các hệ thống APS.

Mặc dù vậy tuyên bố trên cũng gây ra không ít nghi ngờ, nhất là khi nhìn vào những gì người Nga từng quảng cáo và thực hiện trên tiêm kích tàng hình Su-57 hay tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.

Nga từng cho biết cả Su-57 lẫn Iskander-M đều được trang bị công nghệ tàng hình plasma, khiến radar đối phương hoàn toàn bất lực và chẳng thể nào phát hiện ra nó.

Điều này bị "bóc mẽ" là viễn tưởng bởi tính khả thi quá thấp, hơn nữa khi bị bao quanh bởi luồng khí plasma ion hóa thì ngoài việc chặn sóng radar đối phương, nó cũng chặn luôn khả năng làm việc của khí tài trên máy bay.

Ngoài ra nếu đã có công nghệ tàng hình plasma thì Nga chẳng việc gì phải cố gắng thiết kế giảm diện tích phản xạ radar cho Su-57 vì quá thừa thãi.

Tương tự như vậy với tên lửa Iskander-M, nếu đã có luồng plasma bao quanh thì nó cần gì phải thực hiện đường bay phức tạp nhằm đánh lừa hệ thống phòng không đối phương, và sẽ làm cách nào để thu tín hiệu định vị vệ tinh để tấn công chính xác mục tiêu.

Với những lý do trên, không khó hiểu tại sao Nga lại bị hoài nghi về công bố mới đây của mình, các chuyên gia quân sự cho rằng Moskva đang nói quá lời về năng lực nghiên cứu công nghệ plasma cho việc chế tạo hệ thống APS trên xe tăng, thiết giáp chỉ nhằm phục vụ mục đích chính trị.