[ẢNH] Pháo đài bay B-52 Mỹ tung hoành nhưng lại bị Su-35 Nga "khóa chết" tại Syria?

ANTD.VN - Phi công chiến đấu Su-35 của Nga tung bằng chứng phát hiện và theo dõi B-52 của Mỹ khi siêu máy bay ném bom này đang hoạt động tại chiến trường Syria.

Tuy Mỹ rất ít khi lên tiếng cho biết về hoạt động của các pháo đài bay B-52 tại chiến trường Syria, nhưng giới quan sát cho rằng các máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ vẫn thường xuất phát từ căn cứ tại Saudi Arabia để tiến hành một số cuộc không kích vào Syria.

Tài khoản Instagram của một phi công máy bay chiến đấu Su-35 Nga ngày 4-10 đăng ảnh máy bay ném bom tầm xa B-52 đang bay trên bầu trời Syria, ám chỉ oanh tạc cơ Mỹ bị hệ thống cảm biến của máy bay Nga phát hiện và "khóa chết"

Phi công Nga cho biết, bức ảnh được chụp khi chiếc B-52 đang trên đường trở về căn cứ sau khi hoàn thành một đợt không kích nhằm vào các mục tiêu của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tuy nhiên viên phi công này không tiết lộ thời gian và địa điểm cụ thể đã chụp bức hình đó.

Trước đó, Lầu Năm Góc đã triển khai các máy bay B-52 và 400 phi công tới Trung Đông để tham chiến dịch chống IS ở Syria và Iraq.

Tuy nhiên, vào tháng 4 số oanh tạc cơ này đã được rút về căn cứ không quân ở Bắc Dakota.

Thay thế cho những chiếc pháo đài bay B-52 là pháo đài bay B-1B Lancer.

Tuy vậy hiện không rõ toàn bộ máy bay B-52 đã rút về Mỹ hay vẫn còn nằm lại căn cứ quân sự Mỹ tại Trung Đông.

B-52 là một trong bộ ba máy bay ném bom chiến lược của Mỹ bên cạnh B-1B và B-2. Đây được coi là một trong những loại máy bay ném bom mạnh nhất thế giới hiện nay.

Với những nâng cấp mới nhất cho phép máy bay ngoài mang bom thông thường và thông minh, B-52 còn có khả năng mang theo các tên lửa hành trình tấn công tầm xa và cả sử dụng trong nhiệm vụ tấn công hạt nhân đối phương.

Ra đời từ thập niên 1950 và từng được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, tuy nhiên cũng tại đây pháo đài bay đã nhận cái kết kinh hoàng khi bị bắn rơi khá nhiều.

Nhưng từ những kinh nghiệm xương máu đó, người Mỹ đã thay đổi chiến thuật tác chiến cũng như nâng cấp hệ thống điện tử, khiến loại máy bay này vẫn trở nên đáng sợ trong chiến tranh hiện đại.

Thậm chí xét về hiệu năng và tính kinh tế, lão tướng B-52 còn trên cơ cả máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit và B-1B Lancer.

Trong chiến tranh Việt Nam, B-52 thường phải đối chọi với hệ thống phòng không mà không có biện pháp bảo vệ hiệu quả.

Do kích thước to lớn, tốc độ bay chậm, B-52 dễ dàng trở thành mồi ngon của các hệ thống lửa đánh chặn của phòng không Việt Nam.

Ngoài ra các loại máy bay bảo vệ B-52 cũng chưa thực sự xuất sắc khi để đối phương len lỏi được vào đội hình, tiến đến gần B-52 để bắn phá.

Ngày nay, việc xuất hiện các máy bay chiến đấu tàng hình và tên lửa hành trình, cục diện tác chiến của không quân Mỹ đã đổi khác.

Mở đầu trận đánh là màn tấn công phủ đầu bằng các loại tên lửa hành trình Tomahawk vào các căn cứ phòng không của đối phương. 

Tiếp đến là các máy bay tiêm kích tàng hình tràn tới tiêu diệt nốt các đài chỉ huy radar cũng như hệ thống phòng không còn sót lại. Lúc này pháo đài bay B-52 mới xuất hiện để dội bão lửa lên đầu đối phương.

B-52 có thể ném bom rải thảm với tổng khối lượng bom lên tới 30 tấn, số bom này tạo ra những khu hủy diệt cực lớn. 

Do các sân bay đối phương bị tên lửa hành trình tấn công khiến tiêm kích đánh chặn không thể cất cánh.

Mặt khác, đội ngũ hộ tống bao gồm những chiếc tiêm kích cực mạnh có thể khống chế đối phương một cách hữu hiệu, tạo điều kiện cho B-52 ném bom. Giới quan sát cho rằng nếu trong tình trạng chiến tranh, tiêm kích đối phương rất khó để tiếp cận và "khóa chết" B-52.

Ngoài khối lượng bom khủng khiếp, B-52 còn được cải tiến nâng cấp để mang những tên lửa hành trình tầm xa tấn công. Những tên lửa Tomahawk  AGM-86C được mang bởi B-52 có thể tấn công mục tiêu cách xa hàng ngàn cây số.

Bởi vậy cho dù ra đời đã lâu, lại từng thảm bại trên bầu trời Việt Nam trong thế kỷ 20, nhưng nhờ những thay đổi trong chiến lược tác chiến và nâng cấp hệ thống điện tử vũ khí khiến cho B-52H vẫn là những vũ khí hiệu quả mà quân đội Mỹ ưa dùng.

Mang nhiều bom đạn hơn, chi phí vận hành rẻ hơn máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit và B-1B Lancer nên B-52 vẫn được không quân Mỹ ưa chuộng nhất trong các cuộc xung đột gần đây khi mà đối phương có lực lượng phòng không kém hiệu quả.